Chia sẻ tại diễn đàn, Tiến sĩ Lê Tuấn Anh cho rằng, ngành hàng không không chỉ là cầu nối giữa du khách với các điểm đến Việt Nam, mà còn là kênh quảng bá cho thương hiệu du lịch Việt. |
Trong bối cảnh các quốc gia không ngừng đưa ra các chính sách để thu hút khách du lịch quốc tế, Việt Nam cũng tích cực khai thác các điểm mạnh, chiến lược để tăng cường khả năng cạnh tranh. Một trong số đó có việc cải thiện hạ tầng và dịch vụ logistics, đặc biệt là logistics hàng không để nâng cao trải nghiệm du khách và phát triển thương hiệu du lịch quốc gia.
Chia sẻ tại diễn đàn, Tiến sĩ Lê Tuấn Anh, Trưởng Khoa Quản trị du lịch và ngôn ngữ quốc tế, Trường đại học Văn hóa Hà Nội nhận định: "Ngành hàng không không chỉ là cầu nối giữa du khách với các điểm đến Việt Nam, mà còn là kênh quảng bá cho thương hiệu du lịch Việt, giữ vị trí quan trọng trong việc bắt đầu, kết thúc hành trình khám phá cũng như thúc đẩy việc quay trở lại của du khách".
Tiến sĩ Lê Tuấn Anh cho hay, chúng ta đã trải qua giai đoạn phát triển du lịch đại chúng. Bên cạnh giá cả, chất lượng dịch vụ là đóng vai trò then chốt trong việc phát triển các điểm đến ở địa phương. Điều này được thể hiện qua các yếu tố như: con người, giá trị văn hóa, các vấn đề về vệ sinh, an ninh, an toàn và cách sắp đặt điểm đến trong suốt hành trình trải nghiệm của du khách.
Toàn cảnh buổi diễn đàn. |
Nhấn mạnh việc cần chú trọng cải thiện cơ sở hạ tầng để phát triển ngành du lịch, Tiến sĩ Bùi Thanh Thủy, Trưởng Khoa Du lịch, Trường đại học Văn hóa Hà Nội phân tích: "Trong giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay, cần cải thiện cơ sở hạ tầng, vật chất-kỹ thuật để kích cầu ngành du lịch. Về logistics hàng không, giá vé máy bay cao là một hạn chế. Do đó, cần có sự bắt tay, liên kết giữa các bên liên quan để thực hiện tốt các kế hoạch và chính sách hiện có. Đồng thời, chú trọng phát triển giao thông vận tải, nhất là đường bộ và hàng không".
Theo đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng để khai thác du lịch, nhưng cần tạo ra hệ thống các sản phẩm mang tính đặc trưng và quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia một cách hiệu quả. Song song đó, ngành du lịch cũng cần hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Cùng chung quan điểm giá vé máy bay cao vẫn là rào cản với nhiều du khách, ông Võ Huy Cường, nguyên Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho rằng, nên có sự hợp tác chặt chẽ giữa các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành và cơ quan quản lý để xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn. Từ đó, tối ưu hóa chi phí và nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch. Ngoài ra, việc phát triển đường sắt cao tốc, đường cao tốc và các phương tiện vận tải khác cũng góp phần đa dạng hóa lựa chọn di chuyển cho du khách.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi và đưa ra nhiều giải pháp về việc khai thác mạng lưới hàng không quốc tế để kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch lớn trên thế giới. Đồng thời, thảo luận về các phương án để phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.