Dư luận Pháp đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Tran Huy
Ngày 22/8, Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết bác đơn kiện của bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, đòi tập đoàn Bayer-Monsanto và 13 tập đoàn hóa chất đa quốc gia khác phải chịu trách nhiệm vì đã cung cấp chất độc da cam/dioxin cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Ngay sau đó, dư luận ở Pháp đã thể hiện sự thất vọng trước phán quyết của tòa, đồng thời bày tỏ sự cảm phục và khẳng định tiếp tục đồng hành với cuộc đấu tranh không mệt mỏi của bà Nga.
Ngày 22/8, báo chí Pháp đăng nhiều tin, bài về vụ kiện của bà Trần Tố Nga cũng như những nỗi đau khủng khiếp của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Ngày 22/8, báo chí Pháp đăng nhiều tin, bài về vụ kiện của bà Trần Tố Nga cũng như những nỗi đau khủng khiếp của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Tòa Phúc thẩm Paris ra phán quyết giống như của Tòa sơ thẩm Evry năm 2021, rằng tòa không có thẩm quyền xét xử các công ty hóa chất nói trên, với lý do các công ty này được hưởng quyền "miễn trừ tư pháp" đối với một quốc gia, vì họ đã hành động theo lệnh của Chính phủ Hoa Kỳ.

Ông Bertrand Repolt và ông William Bourdon, hai trong những luật sư đại diện cho bà Trần Tố Nga, cho rằng đây là kết quả đã được dự trù nhưng rất thất vọng. Theo các luật sư, Tòa Phúc thẩm đã áp dụng sai quyền miễn trừ tư pháp (cho các tập đoàn hóa chất) và đưa ra một quyết định lỗi thời, đi ngược lại những yếu tố đã được đưa ra tranh luận và tính hiện đại của luật pháp. Bà Trần Tố Nga và các luật sư và sẽ tiếp tục kiện lên tòa cấp cao hơn.

Nhiều năm qua, vụ kiện của bà Trần Tố Nga đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như báo chí Pháp. Một số nhân vật có tầm ảnh hưởng tại Pháp đã bày tỏ sự thất vọng trước phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris dành cho các tập đoàn hóa chất đa quốc gia trong vụ kiện.

Trên tài khoản mạng xã hội X, bà Nadege Abomangoli, Phó Chủ tịch Quốc hội Pháp, đã nhấn mạnh rằng các công ty hóa chất như Monsanto và Hercules vẫn không hề bị xử phạt sau hàng thập kỷ đấu tranh vì công lý. Bà Nadege Abomangoli cho rằng tính hiệu quả của quá trình phi thực dân hóa đòi hỏi một sự bồi thường và bù đắp xứng đáng.

Dư luận Pháp đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ảnh 2

Bà Ersilia Soudais, Hạ nghị sĩ Pháp, thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ trên tài khoản mạng xã hội X: Dù có quyết định đáng tiếc của tòa, bà Trần Tố Nga và nhóm Vietnam-Dioxin sẽ tiếp tục đấu tranh tới khi đòi được công lý cho các nạn nhân chất độc da cam. Chúng ta sẽ đồng hành với họ cho tới khi công lý được thực thi.

Ông Gérard Daviot, nguyên Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) và là thành viên Ủy ban hỗ trợ bà Trần Tố Nga, bày tỏ: "Tôi vô cùng tức giận khi biết quyết định của Tòa Phúc thẩm Paris. Sự thất vọng còn lớn hơn cả đối với quyết định của Tòa án Évry. Tôi cho rằng đây là phán quyết không công bằng, một sự phủ nhận thực sự của công lý."

Thực tế, theo các luật sư, trong vụ án này, vấn đề nguyên tắc là các thẩm phán đã giữ quan điểm bảo thủ, đi ngược lại bản chất của các yếu tố được đưa ra trong cuộc tranh luận, trái với luật pháp quốc tế. Quyết định này đã bỏ qua những hậu quả khủng khiếp của chất độc da cam mà bà Nga cũng như hơn ba triệu nạn nhân khác ở Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu. Điều này là không thể chấp nhận được.

Vì vậy, tôi hoàn toàn ủng hộ cuộc đấu tranh của bà Nga, tiếp tục theo đuổi vụ kiện và kháng cáo lên tòa cấp cao hơn.

Ông Gérard Daviot cho biết thêm: Trong nhiều năm, với tư cách là Chủ tịch AAFV, tôi đã luôn ủng hộ cuộc đấu tranh của bà Nga. Chúng tôi coi đó là một trong những vấn đề ưu tiên. Tôi biết bà Nga đã theo đuổi vụ kiện không mệt mỏi và bất chấp mọi khó khăn vì công lý cho mình cũng như các nạn nhân khác. Tôi biết chắc rằng bà Nga sẽ không bỏ cuộc. Bà ấy là một người phụ nữ đáng cảm phục, dù có hai quốc tịch nhưng vẫn tôn vinh quê hương và thấu hiểu, chia sẻ nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam có cuộc sống như địa ngục.

Bà Nga là tấm gương cho tất cả những người có chung quyết tâm đấu tranh vì công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, vì tình hữu nghị và hòa bình giữa các dân tộc.

Vì vậy, hãy giống như bà ấy, chúng ta đừng bỏ cuộc, bất chấp sự thất vọng có thể đến với chúng ta vào lúc này. Chúng ta hãy nỗ lực gấp đôi hơn bao giờ hết, chống lại bất công.

Ông Gérard Daviot

Báo Nhân đạo (L’Humanité) số ra ngày 22/8 đăng ba bài viết với các tựa đề “Trần Tố Nga: Với phiên tòa này, các công ty sản xuất chất độc da cam cho thấy sự yếu kém và nỗi sợ hãi của họ đối với tôi”, “Chất độc da cam: Trần Tố Nga, đấu tranh chống chất độc của Hoa Kỳ” và “Chất độc da cam: Bà Trần Tố Nga thua kiện nhưng cuộc đấu tranh vẫn sẽ tiếp diễn”.

Báo Nhân đạo nêu rõ: Hơn 5 triệu người bị ảnh hưởng, hàng triệu ha rừng và rừng ngập mặn đã bị phá hủy. Chất độc da cam, một chất làm rụng lá cây do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, đến ngày nay vẫn tiếp tục có những ảnh hưởng tàn phá môi trường.

50 năm sau cuộc chiến, những đứa trẻ sinh ra với hình hài dị tật nghiêm trọng và những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam vẫn phải chịu đựng những đau đớn cả về thể chất và tinh thần do nhiều loại bệnh khủng khiếp do chất độc da cam gây ra.

Báo Nhân đạo nhấn mạnh: Nhà nước Hoa Kỳ được hưởng lợi từ quyền miễn trừ chiến tranh. Còn những tập đoàn sản xuất hóa chất lại đang lẩn trốn sau lưng chính phủ để chối bỏ những trách nhiệm liên quan.

Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp nhận định: Hành động bồi thường cho các cựu chiến binh Mỹ chứng tỏ nhận thức của các tập đoàn này về trách nhiệm của họ đối với các loại chất hóa học được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Dioxin không phải là kết quả của một “sự chỉ đạo ép buộc” từ Chính phủ Hoa Kỳ, mà đó là sự chủ động nghiên cứu và sản xuất nhằm đáp ứng yêu cầu của quân đội Mỹ bấy giờ.

Le Monde, tờ báo hàng đầu của Pháp cũng chỉ ra rằng: tại Mỹ, trong khi các cựu chiến binh được một số công ty hóa chất bồi thường mà không cần xét xử, thì năm 2005, tòa án lại bác bỏ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam với lý do chất độc da cam không phải là vũ khí hóa học.

Tác giả của bài báo cũng trích dẫn lời chia sẻ của hai vị luật sư đồng hành cùng bà Trần Tố Nga, ông William Bourdon và ông Bertrand Repolt, sau khi nhận được phán quyết của tòa phúc thẩm Paris: “Bà Trần Tố Nga cảm thấy rất thất vọng, nhưng bà biết một điều - đây là một cuộc chiến lâu dài và đầy thách thức”.

Dow Chemical, Monsanto, Thomson Hayward, Hercules, Uniroyal, Diamond Shamrock, Occidental Chemical Corporation… là một vài trong những cái tên của 26 công ty hóa chất Mỹ phải chịu trách nhiệm cho tội ác hóa học này. Sau những vụ sáp nhập và đổi tên, đến nay còn lại 14 công ty đa quốc gia bị đưa vào danh sách kiện.

Các công ty này đã ngụy biện rằng: họ được hưởng lợi quyền miễn trừ quyền tài phán, vì tại thời điểm đó họ hành động “phục vụ lợi ích quốc gia và theo mệnh lệnh của Nhà nước”.

Tuy nhiên, báo Le Monde cũng nêu rõ: những người có chung quan điểm bảo vệ nạn nhân chất độc da cam đã cung cấp một bộ hồ sơ dày dặn về các mức độ nguy hại của các sản phẩm hóa chất mà những công ty hóa chất này nhận thức được. Bằng chứng cho thấy, họ đã tiến hành các cuộc thử nghiệm trên động vật tại thời điểm đó, cùng với nhiều biên bản cuộc họp và trao đổi thư từ với đối tác khác.

Dư luận Pháp đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam ảnh 3

Buổi vận động được tổ chức ở Paris ngày 4/5/2024 nhằm ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga và chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân chất độc da cam VIệt Nam. (Ảnh: MINH DUY)

Bài báo xuất bản cùng ngày trên trang thông tin điện tử của Đài phát thanh và truyền hình (FranceTvInfo) trích dẫn báo cáo của Stellman: Giống như bà Trần Tố Nga, có khoảng từ 2,1 đến 4,8 triệu người bị phơi nhiễm chất độc da cam, phần lớn là người Việt Nam, có cả người dân Lào và Campuchia.

Trang thông tin của FranceTvInfo cũng cho biết thêm: Năm 2010, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng “chất ô nhiễm này có thể gây ra các vấn đề về sinh sản và phát triển, làm hỏng hệ thống miễn dịch, can thiệp vào hệ thống nội tiết và gây ung thư”.

Đặc biệt, chính trong năm 1984, 15.000 cựu chiến binh Mỹ đã nhận được khoản bồi thường trị giá 180 triệu USD vì đã mắc phải các căn bệnh như ung thư, bệnh về gan và rối loạn thần kinh, sau khi trở về từ chiến trường Việt Nam - nơi họ đã bị phơi nhiễm chất độc màu da cam.

Trang thông tin điện tử của Đài truyền hình France24 đưa thông tin: Một người con gái của bà Trần Tố Nga đã qua đời do dị tật tim bẩm sinh khi chỉ mới 17 tháng tuổi, hai người con gái khác đều mắc những bệnh lý nghiêm trọng. Bản thân bà Trần Tố Nga cũng mắc phải bệnh lao tái phát, ung thư và tiểu đường.

France24 cũng trích dẫn lời của nhóm Vietnam-Dioxin, luôn đồng hành cùng bà Trần Tố Nga từ những ngày đầu tiên, mô tả phán quyết của Tòa phúc thẩm Paris là “sự phủ nhận công lý đối với các nạn nhân chất độc da cam”.

Thực tế tại Hoa Kỳ, cuộc đấu tranh phản đối chất độc màu da cam vào năm 1970 đã xuất hiện thuật ngữ “diệt chủng sinh thái” để mô tả sự cố ý hủy hoại môi trường.

Cùng ngày, Libération, một tờ báo tên tuổi khác của Pháp, cũng đã trích dẫn tuyên bố của luật sư William Bourdon: trong trường hợp này, vốn là vấn đề nguyên tắc, các thẩm phán đã có thái độ bảo thủ, trái với tính hiện đại của luật pháp và trái với luật pháp quốc tế cũng như luật pháp châu Âu. Do đó, cuộc đấu tranh pháp lý này vẫn sẽ tiếp tục ở cấp độ tòa án cao hơn.

Ngoài ra, phán quyết của Tòa Phúc thẩm Paris bác bỏ kháng cáo của bà Trần Tố Nga cũng là chủ đề quan tâm của nhiều báo lớn nhỏ và các trang thông tin điện tử tại Pháp. Hàng loạt những bài báo được xuất bản trên các trang tin điện tử của Đài truyền hình BFM, TV5 Monde, La Croix, Le Nouvel Obs, Reporterre, Nouvelles Du Jour, Ouest France, 7 sur 7… đều có chia sẻ chung những quan điểm ủng hộ một cuộc đấu tranh pháp lý đầy thử thách vì công lý và quyền lợi của những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

KHẢI HOÀN - MINH DUY

Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp