Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Nhiều chính sách vẫn chưa có phương án tối ưu

Nguyễn Ánh Hiền
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội gồm 16 chương và 265 điều, tuy nhiên vẫn còn nhiều nội dung chưa có phương án tối ưu, có những nội dung có 3 phương án.

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ sáu, sáng 3-11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

vu-hong-thanh-1698981793.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Trọng Hải

Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm, đã bỏ 4 điều, bổ sung 6 điều, sửa đổi 229 điều.

Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất…

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề, chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề cập 5 nội dung đã thống nhất 1 phương án, 16 vấn đề vẫn đang thiết kế từ 2 đến 3 phương án.

Trong đó, đáng chú ý, nhiều phương án mới là do Chính phủ đề xuất tại Báo cáo số 598/BC-CP ngày 23-10-2023 về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Hai phương án về sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Một trong những điểm mới là dự thảo luật bổ sung thêm phương án về quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được Chính phủ đề xuất.

Phương án này thiết kế theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước) và giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).

Trên cơ sở các ý kiến này và ý kiến của Chính phủ, dự thảo đang thiết kế 2 phương án:

Phương án 1: Tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…

Phương án 2: Giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).

Phương pháp nào định giá đất?

Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, dự luật đang thiết kế 2 phương án.

Phương án 1: Quy định tại luật về nội dung phương pháp định giá đất nhưng giao Chính phủ quy định trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp. Chính phủ đề xuất theo hướng này tại Báo cáo số 598/BC-CP.

Phương án 2: Quy định tại luật về nội dung phương pháp định giá đất và trường hợp, điều kiện áp dụng từng phương pháp.

Nội dung các phương án tại dự thảo luật do Chính phủ đề xuất tại dự thảo Luật kèm theo Báo cáo số 598/BC-CP và dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP về giá đất.

Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 2 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.

quang-canh-311-1698981816.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trọng Hải

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.