Giai đoạn nước rút hướng tới hiệp ước về đại dịch

Tran Huy
Các đại diện đến từ hơn 190 nước thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang chạy đua với thời gian trong nỗ lực hoàn tất đàm phán hiệp ước toàn cầu về đại dịch trước hạn chót vào cuối tháng này.
Giai đoạn nước rút hướng tới hiệp ước về đại dịch

Bất đồng về vấn đề tiếp cận thông tin dịch bệnh, chia sẻ nguồn lực, huy động tài chính vẫn là trở ngại lớn với thỏa thuận giúp thế giới ứng phó đại dịch trong tương lai hiệu quả hơn.

Đại dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD, mà còn làm bộc lộ rõ những hạn chế trong khả năng ứng phó trước các cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng. Để lấp những lỗ hổng này, tiến trình xây dựng hiệp ước toàn cầu về đại dịch đã được khởi động từ tháng 12/2021.

Tuy nhiên, sau hơn hai năm đàm phán, các nước thành viên WHO vẫn chưa thể giải quyết hết bất đồng. Thời hạn hoàn thiện hiệp ước vào ngày 31/3 vừa qua đã bị bỏ lỡ.

Để tháo gỡ những khúc mắc cuối cùng liên quan nội dung hiệp ước, vòng đàm phán bổ sung đang được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), dự kiến kết thúc vào ngày 10/5 tới.

Mục tiêu của vòng đàm phán là thống nhất được thỏa thuận để trình lên kỳ họp hằng năm của Đại hội đồng Liên hợp quốc, dự kiến khai mạc ngày 27/5 tới. Trong bối cảnh giờ G sắp điểm, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc các nước chung tay loại bỏ những “chướng ngại vật” cuối cùng trên tiến trình hoàn thiện hiệp ước quan trọng này.

Người đứng đầu WHO khẳng định, đây sẽ là thỏa thuận lịch sử, đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ cách thức ứng phó các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại, các cuộc đàm phán có thể rơi vào bế tắc do các nước không tìm được tiếng nói chung. Bất đồng lớn nhất hiện nay xoay quanh cách thức chia sẻ thông tin dịch bệnh, vắc-xin, phương pháp xét nghiệm và điều trị.

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm lộ rõ tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng giữa các quốc gia trong tiếp cận vắc-xin và dịch vụ y tế. Để tránh lặp lại kịch bản từ đại dịch Covid-19, việc san bằng khoảng cách trong tiếp cận vắc-xin được quan tâm hàng đầu, song cũng là vấn đề nan giải nhất trên bàn đàm phán hơn hai năm qua.

Ngoài ra, bảo đảm nguồn tài chính trong ứng phó đại dịch cũng là một thách thức lớn. Đại diện đoàn đàm phán Indonesia Wiku Adisasmito cho rằng, có sự chênh lệch đáng kể về năng lực ứng phó giữa các nước.

Vì vậy, các nước đang phát triển cần hỗ trợ tài chính để tăng cường giám sát mầm bệnh mới nổi ở động vật và môi trường. Đây cũng là ý kiến chung của nhiều nước châu Phi. Các Bộ trưởng Y tế đến từ châu Phi kêu gọi thiết lập một cơ chế tài chính quốc tế với nguồn tài trợ bền vững và dồi dào hơn từ các nước phát triển để phòng ngừa và ứng phó đại dịch.

Bất đồng vẫn chưa được giải quyết, trong khi không thể phủ nhận sự cấp thiết của việc hoàn thiện một khuôn khổ toàn cầu về ứng phó đại dịch. Các chuyên gia y tế của WHO nhận định, sau Covid-19, thế giới có thể sẽ phải đương đầu những đại dịch khác, nhất là khi các điều kiện làm bùng phát đại dịch, như chiến tranh, nạn đói, thiên tai, dịch bệnh, đang hội tụ với tần suất và cường độ lớn hơn bao giờ hết.

Trong những tuần gần đây, WHO đã cảnh báo về sự gia tăng theo cấp số nhân của dịch cúm gia cầm H5N1, với những lo ngại về kịch bản xấu nếu virus lây truyền giữa người với người. Đây là cảnh báo mới nhất về việc các nước cần nỗ lực hơn nữa để tìm được tiếng nói chung, giúp thế giới được trang bị tốt hơn trước các thảm họa liên quan sức khỏe trong tương lai.

Người đồng chủ trì các cuộc đàm phán hiệp ước toàn cầu về đại dịch, nhà ngoại giao Hà Lan Roland Driece thừa nhận vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Tuy nhiên, những mất mát và bài học từ đại dịch Covid-19 khiến các nước nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết và hợp tác toàn cầu. Giới chuyên gia kỳ vọng, hiệp ước toàn cầu về đại dịch sẽ sớm được hình thành, giúp thế giới sẵn sàng ứng phó các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.

TIẾN DŨNG