Các đại biểu và công chúng tham quan Triển lãm “55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024)". (Ảnh: TRANG ANH) |
Đây là hoạt động hướng đến kỷ niệm 55 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, 55 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Người, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024) và 70 năm Bác về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954-2024).
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng cho biết: Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi nhưng Khu Phủ Chủ tịch vinh dự là nơi gắn bó với Người lâu nhất - 15 năm cuối đời (1954-1969). Nơi đây lưu giữ vĩnh viễn hình bóng, ký ức về tư tưởng, đạo đức, phong cách vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, chiến sĩ cộng sản quốc tế, người bạn thủy chung của nhân loại tiến bộ và yêu chuộng hòa bình.
Với vị thế là một trong 10 di tích đầu tiên trong cả nước được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt (đợt 1, năm 2009), là di tích đầu hệ trong hệ thống các di tích lưu niệm về Bác Hồ, Khu Di tích hiện đang thực hiện hiệu quả song song hai nhiệm vụ chính trị: Bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch như sinh thời Người sống và làm việc; Phát huy hiệu quả di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch. Trong đó, nhiệm vụ bảo tồn, gìn giữ nguyên trạng di tích là nhiệm vụ chính trị cốt lõi; phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Lê Thị Phượng phát biểu. (Ảnh: TRANG ANH) |
“Trải dài suốt 15 năm đặc biệt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả di sản vật chất từ ngôi nhà, vật dụng đến cảnh quan hàng cây, con đường, ao cá … cùng những di sản tinh thần sâu sắc, phong phú Người để lại đã hội tụ thành “cõi Bác xưa” với một “trường ký ức lịch sử-văn hóa” đầy đủ, nguyên gốc, có thể khẳng định là hiếm có trong hệ thống các di tích, lưu niệm về Người”, bà Lê Thị Phượng nhấn mạnh.
Giám đốc Khu Di tích Phủ Chủ tịch cũng bày tỏ quyết tâm trong chặng đường mới, với truyền thống và thành tích tốt đẹp mà các thế hệ cha anh đã gây dựng, Khu Di tích sẽ không ngừng nỗ lực, vừa đón nhận vừa tự mình tạo ra những vận hội mới để tiếp tục hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ chính trị bảo tồn, phát huy giá trị di sản của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.
Khẳng định những giá trị to lớn của Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đánh giá: Khu Di tích đã thật sự trở thành “địa chỉ thiêng liêng” về học tập, lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; là “điểm đến”, “điểm nhấn” trong quan hệ ngoại giao cấp cao của Đảng, Nhà nước. Trong 55 năm qua, gần 90 triệu đồng bào trong nước và khách quốc tế đã tới Khu Di tích tham quan, học tập; 70-80% các đoàn ngoại giao cấp cao đến Hà Nội là đến thăm nơi ở và làm việc của Bác tại Phủ Chủ tịch.
Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: TRANG ANH) |
Thông qua công tác bảo quản, sưu tầm, kiểm kê tư liệu, nghiên cứu khoa học và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ, đặc biệt là qua chuyện kể của những nhân chứng từng có vinh dự được làm việc, gặp gỡ, phục vụ Bác Hồ, Khu Di tích đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục, lan tỏa rộng rãi những bài học giản dị, sâu sắc từ nơi ở và làm việc của Người đến đồng bào trong và ngoài nước cũng như bạn bè khắp năm châu.
“Công việc của các đồng chí tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng giá trị xã hội, ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn lao, rất đáng trân trọng và tự hào”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ.
Với những thành tích đạt được, Khu Di tích đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ Thi đua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua các năm, cùng nhiều danh hiệu cao quý khác.
Tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho các đơn vị, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Trao giải Hội thi “Thuyết minh viên tại điểm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. (Ảnh: TRANG ANH) |
Cũng trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm, Khu Di tích đã tổ chức trao giải thưởng của Hội thi “Thuyết minh viên tại điểm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch” và Cuộc thi nhiếp ảnh “Vẻ đẹp Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. Đây là những hoạt động ý nghĩa, góp phần làm sống động hơn hình ảnh, giá trị và vị thế của Khu Di tích trong lòng công chúng.
Trao Giải Nhất Cuộc thi nhiếp ảnh “Vẻ đẹp Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”. (Ảnh: TRANG ANH) |
Đặc biệt, nhân dịp này, Khu Di tích tổ chức khai mạc triển lãm “55 năm ngày Bác đi xa, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969-2024)”.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm. (Ảnh: TRANG ANH) |
Triển lãm giới thiệu đến công chúng hơn 240 tư liệu, được bố cục theo ba phần:
Phần 1: “Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch – Nơi gắn bó với Bác Hồ trong 79 mùa xuân” giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về cuộc sống đời thường và công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Phủ Chủ tịch từ năm 1954 đến 1969.
Phần 2: “Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích từ năm 1969 đến 1992”.
Phần 3: “Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích từ năm 1992 đến nay” thể hiện những kết quả, dấu ấn trong hành trình bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích.
Du khách và người dân tham quan Triển lãm. (Ảnh: Trang Anh) |
Triển lãm được khai mạc không chỉ là dịp để cùng nhớ về Bác, nhớ những năm tháng Người đã sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch, mà còn là cơ hội để nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong suốt chặng đường dài, tiếp thu những kinh nghiệm quý để tiếp tục bảo tồn, gìn giữ và phát huy tốt nhất giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
TRANG ANH