Lạc lối ở xóm cổ Hoài Khao

Nguyễn Ánh Hiền
(Tapchivietduc.vn) - Xóm cổ Hoài Khao đơn sơ mộc mạc được ví như chiếc nôi văn hóa của dân tộc Dao Tiền cũng là nơi cư trú của 34 hộ dân người Dao Tiền thuộc xã Quang Thành, cách trung tâm thị trấn Nguyên Bình khoảng 20km. Đến nơi đây du khách sẽ được khám phá nét đẹp hoang sơ thuần khiết, những giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc của dân tộc Dao Tiền và gặp gỡ những con người thân thiện, mến khách.

Xóm cổ Hoài Khao

Từ thành phố Cao Bằng để đến được Hoài Khao phải trải qua một chặng đường núi rất nhỏ gập ghềnh toàn dốc cua tay áo. Sau vài tiếng đồng hồ xe lắc bên nọ rồi lắc qua bên kia tránh ổ gà, có nhiều khúc đường hẹp xe phải ngừng hẳn lại nhường đường cho xe đi ngược chiều, cuối cùng chúng tôi cũng tới đích. Khoảnh khắc khi đến được xóm cổ Hoài Khao, nhìn ngắm một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp đang thu vào tầm mắt. Lúc đó chúng tôi nhận ra quãng đường vất vả mà mình vừa trải qua là vô cùng xứng đáng.

​​​​​​​Hai con trâu trắng biểu tượng của xóm cổ Hoài Khao được đặt ở đầu làng

Nằm trên độ cao hơn 1000m so với mực nước biển xunh quanh được bao phủ bởi ngút ngàn cây rừng thuộc vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén, nhờ địa thế vùng đệm của vườn quốc gia nên xóm nhỏ này giữ được vẻ đẹp nguyên sơ quyến rũ tuyệt vời, hầu như chưa bị tác động dù nhỏ của bàn tay con người.

​​​​​​​Ngôi làng nhỏ này sở hữu vẻ đẹp hoang sơ và quyến rũ gần như chưa bị bàn tay con người chạm tới.

Hoài Khao là cách đọc chệch của từ Vài Khao, trong tiếng Dao có nghĩa là Trâu trắng. Tên gọi này có nguồn gốc từ câu chuyện truyền thuyết về con trâu trắng được một bà tiên ban tặng… còn tên gọi Dao Tiền xuất phát từ việc ở cổ áo (phía sau) có đính chín đồng tiền bạc, tượng trưng cho vía của thần Ðế Mẫu, vị thần đã có công che chở, nâng đỡ cho người Dao Tiền từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ cho đến khi người Dao Tiền trở về với tổ tiên…”

​​​​​​​Trâu đen cho cày cấy, người bạn thân thiện của người Dao Tiền

Người dân nơi đây vẫn giữ gìn những ngôi nhà làm bằng gỗ mái lợp bằng ngói âm dương truyền thống. Mỗi gia đình có một kho chứa thóc làm bằng gỗ tách biệt với gian nhà chính, phòng khi xảy ra hỏa hoạn thì kho chứa thóc vẫn an toàn.

​​​​​​​Người dân ở đây vẫn bảo tồn những ngôi nhà làm bằng gỗ, lợp ngói âm dương truyền thống

  1. Những con đường hẹp dẫn đến 34 hộ dân

Khi tới Hoài Khao, du khách sẽ bắt gặp một hình ảnh hiếm thấy - văn hóa độc đáo lâu đời in hoa văn bằng sáp ong trên vải. Tất cả phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao đều thành thạo kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong trên vải, tự tay dệt, thêu thùa, may vá trang phục cho mình và người thân trong gia đình. Từ đôi bàn tay khéo léo, phụ nữ thêu lên mặt vải những họa tiết hình học, cỏ cây, hoa lá, chim, thú thể hiện sự sáng tạo, tỉ mỉ trong những tấm vải được nhuộm chàm.

Loại sáp ong người Dao Tiền sử dụng là sáp ong Khoái - loại ong được gọi là ong khổng lồ Đông Nam Á. Tổ ong Khoái rất lớn, có thể rộng cả mét vuông. Người Dao Tiền ở Hoài Khao luôn ý thức bảo vệ cảnh quan môi trường họ không bao giờ khai thác mật. Có lẽ nhờ vậy, cứ vào mùa xuân ở 2 hang động Tà Lạt, Sán Vình có nhiều đàn ong khoái về làm tổ. Khi lập thu, ong bay đi để lại vỏ sáp, đây là nguyên liệu vô giá để những người phụ nữ Dao Tiền đun nấu thành sáp ong tan chảy và sử dụng chấm lên trên thổ cẩm, làm nổi bật thành những hoa văn độc đáo trên bộ trang phục truyền thống của mình.

Nung chảy sáp ong để chuẩn bị in hoa văn trên vải

Dụng cụ in hoa văn bằng sáp ong khá đơn giản, đều do người Dao Tiền làm

​​​​​​​

Thanh tre mỏng uốn theo hình được sử dụng làm dung cụ in hoa văn.

Nhúng sáp in hoa văn trên vải

Chu Ngọc Thắm, 7 tuổi, được mẹ dạy cách in hoa văn trên vải bằng sáp ong.

Cô bé đang cố gắng để có những hình hoa văn đẹp.

Hai thế hệ đã in hoa văn bằng sáp ong nhiều năm.

Cần có thời gian để hoàn thành một tấm vải in bằng sáp ong; đây không chỉ là nghệ thuật in hoa văn trên vải mà còn là văn hóa của người Dao Tiền.

Người Dao Tiền cảm thấy hạnh phúc khi bảo tồn được giá trị truyền thống.

Theo người phụ nữ lớn tuổi trong làng cho biết nghệ thuật in hoa văn trên vải của người Dao Tiền được truyền lại từ tổ tiên.

Sau khi in bằng sáp ong, vải sẽ được nhuộm chàm để làm quần áo

Con đường hẹp dẫn đến Nhất Nhất homestay đáp ứng yêu cầu của không chỉ du khách trong nước mà cả du khách nước ngoài

Bữa ăn phục vụ khách du lịch cùng với chủ nhà.

Quang cảnh mặt trước của Nhất Nhất homestay

Du khách đồng thời là nhiếp ảnh gia trải nghiệm nghệ thuật in sáp ong trên vải của người Dao Tiền

Người Dao Tiền bên hiên nhà, du khách chụp ảnh check-in trước sân

Nếu đến Hoài Khao vào tháng 6, 7 âm lịch, du khách được tận mắt chứng kiến lễ cúng thờ ong khoái của bà con, đây là nét đẹp truyền thống văn hóa của người Dao Tiền lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Với không khí trong lành, người dân thân thiện cùng nền văn hóa truyền thống độc đáo cộng với mô hình homestay đáp ứng được cho cả du khách quốc tế và nội địa. Đây chính là nét đặc sắc, hấp dẫn để Hoài Khao trở thành địa chỉ hấp dẫn thu hút khách du lịch tìm đến.

Helena Vân