Lời kêu cứu từ đại dương

Tran Huy

Quy tụ hơn 600 người đứng đầu các chính phủ và doanh nghiệp trên thế giới, Hội nghị Đại dương của chúng ta (Our Ocean) lần thứ 8 đang diễn ra tại Panama là cơ hội để cộng đồng quốc tế cùng phát huy tinh thần trách nhiệm, chung tay bảo vệ hệ sinh thái đại dương. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi tình trạng ô nhiễm môi trường nước hiện nay đang ở mức đáng báo động.

Ảnh: ouroceanpanama2023.gob.pa.
Ảnh: ouroceanpanama2023.gob.pa.

Tâm điểm của Hội nghị Đại dương của chúng ta xoay quanh các vấn đề mà các đại dương trên thế giới phải đối mặt. Trong số đó, biến đổi khí hậu, ô nhiễm do đánh bắt và khai thác quá mức, rác thải là những vấn đề nổi cộm. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về việc mở rộng nhiều khu bảo tồn biển để bảo đảm nền kinh tế xanh, bền vững và giảm thiểu những yếu tố gây hại cho đại dương.

Giám đốc chính sách của tổ chức Global Fishing Watch, bà Courtney Farthing nhận định, hội nghị chính là chìa khóa để duy trì quyết tâm chính trị đối với các hành động vì đại dương. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia nâng cao hiểu biết về tình trạng hiện tại của đại dương, chung sức tìm ra những giải pháp, sáng kiến có thể áp dụng rộng rãi.

Hệ sinh thái đại dương từ lâu đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đánh bắt thủy, hải sản vô độ. Đại dương bao phủ khoảng 3/4 bề mặt Trái đất và được đánh giá là tuyến đường trọng yếu cho thương mại toàn cầu. Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), nhiều khu vực đại dương đóng vai trò quan trọng đối với các loài cá mập, cá ngừ, cá voi và rùa biển, đồng thời hỗ trợ hàng tỷ USD cho hoạt động kinh tế mỗi năm.

Hệ sinh thái đại dương từ lâu đã bị đe dọa nghiêm trọng bởi tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đánh bắt thủy, hải sản vô độ.

Trên thực tế, nhận thức chung của người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, trong đó có hệ sinh thái đại dương, đã được nâng cao. Điều này được thể hiện qua hàng loạt hội nghị lớn, nhỏ về chủ đề bảo tồn biển được tổ chức thời gian qua. Tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học (COP15) ở thành phố Montreal của Canada vào tháng 12/2022, 196 quốc gia đã nhất trí với mục tiêu đến năm 2023 bảo vệ ít nhất 30% diện tích biển của Trái đất.

Song, các nỗ lực bảo vệ môi trường biển hiện nay vẫn là chưa đủ khi đại dương đang kêu cứu khẩn cấp trước hàng loạt mối nguy hiểm đến từ sự nóng lên toàn cầu, các hoạt động gây ô nhiễm môi trường biển. WWF còn cảnh báo, đại dương đang phải đối mặt với những mối đe dọa mới tiềm tàng như sự khai thác khoáng sản dưới đáy biển sâu - một ngành công nghiệp non trẻ có thể gây ra tác hại không thể khắc phục đối với hệ sinh thái mong manh ở biển sâu.

Năm 2022, thế giới tiếp tục chứng kiến nhiệt độ của các đại dương tăng lên mức cao kỷ lục. Theo nghiên cứu mới đây, so với năm 2021, năm nóng nhất từng được ghi nhận trước đó, phần nước bề mặt dày 2.000m trên các đại dương đã tích tụ một lượng nhiệt lớn hơn, đủ để đun sôi khoảng 700 triệu ấm nước có dung tích 1,5lít. Kể từ năm 2017, mức độ nóng lên tại các đại dương liên tục tăng lên những kỷ lục mới.

Đây chính là hồi chuông báo động về những hệ lụy nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và sự ấm lên toàn cầu. Bao phủ phần lớn diện tích bề mặt Trái đất, đại dương là nơi góp phần xoa dịu tác động của biến đổi khí hậu đối với sự sống trên đất liền, nhưng với một cái giá rất đắt. Đại dương hấp thụ đến hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ tình trạng ấm lên toàn cầu và đây cũng là một phần nguyên nhân hủy hoại nghiêm trọng hệ sinh thái dưới đại dương.

Tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường biển vẫn chưa có hồi kết. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lượng rác thải nhựa đổ ra các đại dương có thể tăng lên đến một tỷ tấn vào năm 2060. Từ những loài sinh vật nhỏ như tôm, cua, hàu cho đến những loài lớn như cá voi đều là nạn nhân của rác thải nhựa. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng nổ, các đại dương phải “oằn mình” hứng chịu lượng rác thải y tế khổng lồ với những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần hay găng tay cao-su tràn ngập các bãi biển.

Giới chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn tất một hiệp ước toàn cầu về bảo tồn biển khơi, một bước đi hướng tới đạt được mục tiêu bảo vệ ít nhất 30% diện tích biển trên thế giới. Quản lý bền vững tài nguyên biển là một phần không thể thiếu trong tiến trình phục hồi kinh tế-xã hội hậu đại dịch Covid-19.

Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lượng rác thải nhựa đổ ra các đại dương có thể tăng lên đến một tỷ tấn vào năm 2060. Từ những loài sinh vật nhỏ như tôm, cua, hàu cho đến những loài lớn như cá voi đều là nạn nhân của rác thải nhựa. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng nổ, các đại dương phải “oằn mình” hứng chịu lượng rác thải y tế khổng lồ với những chiếc khẩu trang y tế dùng một lần hay găng tay cao-su tràn ngập các bãi biển.

NGỌC LINH