Theo đó, Lễ hội chợ Phong Lưu Khâu Vai, sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 24-4 tại huyện Mèo Vạc, hứa hẹn mang đến một không gian đậm đà bản sắc văn hóa của cao nguyên đá. Với chủ đề “Khâu Vai ngày trở lại” lễ khai mạc được diễn ra vào hồi 20 giờ ngày 22-4 tại quảng trường trung tâm huyện Mèo Vạc.
Trong khuôn khổ của chương trình, diễn ra nhiều hoạt động như: Thi trình diễn trang phục các dân tộc; Giải Việt dã - Du lịch xanh; thi chim Họa mi hót (tại quảng trường trung tâm huyện). Đồng thời, tại khu vực Mê cung đá (xã Khâu Vai, Mèo Vạc) diễn ra các hoạt động: Thi leo cột chinh phục tình yêu; tung còn giao duyên; đánh yến; trình diễn thổi khèn Mông; múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô; múa kiếm; múa trống của dân tộc Giáy… hoạt động trải nghiệm cho du khách; Lễ cầu duyên tại miếu Ông - miếu Bà (tối 23-4) hứa hẹn mang đến không gian linh thiêng, đầy ý nghĩa dành cho những đôi lứa yêu nhau…
![]() |
Các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, điểm tham quan triển khai các phương án, đón tiếp, phục vụ khách du lịch an toàn, chu đáo. |
Chợ Phong Lưu Khâu Vai là phiên chợ độc nhất vô nhị trên cao nguyên đá Đồng Văn gắn liền với câu chuyện tình yêu huyền thoại đã hơn trăm năm giữa chàng Ba và nàng Út vì sự ngăn cấm bởi phong tục, dòng tộc để rồi hai người đã gạt nước mắt chia tay nhau, hẹn đúng ngày 27-3 âm lịch hằng năm gặp lại. Năm nay, lễ hội được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Với mục tiêu tạo nên một sự kiện thành công và tạo dấu ấn trong lòng du khách, trong những ngày này công tác chuẩn bị đang được huyện Mèo Vạc triển khai khẩn trương và chu đáo.
Ông Ngô Mạnh Cường, Phó chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Đến nay, UBND huyện Mèo Vạc đã ban hành các kế hoạch, kịch bản chi tiết, phương án tổ chức lễ hội; thành lập các tiểu ban phục vụ; đẩy mạnh tuyên truyền, trang trí khánh tiết, trồng hoa, tu sửa các điểm check-in cho du khách; đảm bảo công tác hậu cần; có phương án đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông; xây dựng xong kịch bản chương trình nghệ thuật “Khâu Vai ngày trở lại”; chuẩn bị tổ chức không gian văn hóa, ẩm thực, kịch bản chi tiết cho từng hoạt động trong khuôn khổ lễ hội…”.
![]() |
![]() |
Chợ Phong Lưu Khâu Vai, xã Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) hứa hẹn mang lại một không gian đậm đà bản sắc văn hóa của Cao nguyên đá. |
Bên cạnh đó, đến với lễ hội du khách có thể trải nghiệm các hoạt động tại Làng Văn hóa Lô Lô, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông xã Pả Vi, khám phá Vách đá trắng Mã Pì Lèng, đi thuyền trên lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1 để chiêm ngưỡng hẻm vực Tu Sản – kỳ quan độc nhất vô nhị của Hà Giang.
Các huyện thuộc vùng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, như: Huyện Đồng Văn tổ chức Lễ hội Khèn Mông lần thứ X - Diễu hành đường phố năm 2025 (ngày 24, 25-4), với các hoạt động: Thi trình diễn diễu hành đường phố; chương trình nghệ thuật với chủ đề “Tiếng Khèn gọi bạn”; trưng bày, bán sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP; chế tác một số nhạc cụ, đồ dùng lao động của đồng bào…
Huyện Yên Minh tổ chức không gian Văn hóa huyện lần thứ 3, diễn ra 2 ngày (11 và 12-4) tại Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và sân vận động trung tâm xã Du Già với các hoạt động văn hóa truyền thống; thi Lực sĩ bò vàng; thi bắn nỏ; đánh quay; bắt cá lòng suối; đi cầu kiều và các hoạt động ẩm thực mang bản sắc của địa phương.
Huyện Quản Bạ tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc huyện Quản Bạ năm 2025 (ngày 29 và 30-4) cùng nhiều hoạt động trải nghiệm tại các làng văn hóa trên địa bàn.
![]() |
Từ ngày 18-4 đến 2-5, tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức trưng bày giới thiệu trang phục các dân tộc và Cuốn sách “Du khảo”: Rực rỡ trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam… |
Tại Bảo tàng tỉnh Hà Giang, từ ngày 18-4 đến 2-5, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức trưng bày giới thiệu trang phục các dân tộc và Cuốn sách “Du khảo”: Rực rỡ trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam; hoạt động đồng diễn dân vũ, năm 2025; triển lãm “Dám sống một cuộc đời rực rỡ”…
Đồng thời, tại thành phố Hà Giang sẽ diễn ra các hoạt động: Chương trình Nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước; triển lãm trưng bày, giới thiệu thành tựu 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam và sự phát triển của văn học, nghệ thuật tỉnh Hà Giang sau ngày đất nước thống nhất (30-4-1975 / 30-4-2025); phát động cuộc thi ảnh “Đất và Người miền cực Bắc”, sáng tác ca khúc “Miền đá hát” năm 2025-2026…
![]() |
Ngày 25 và 26-4, huyện Đồng Văn tổ chức Lễ hội Khèn Mông lần thứ X - Diễu hành đường phố năm 2025. |
Song song đó, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, các doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở lưu trú, điểm tham quan trong tỉnh triển khai các phương án, đón tiếp, phục vụ khách du lịch an toàn, chu đáo, thân thiện, mến khách…
Để đảm bảo tổ chức thành công chuỗi hoạt động trong sự kiện, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách, tại cuộc họp đánh giá tiến độ chuỗi hoạt động văn hóa, du lịch tỉnh Hà Giang vừa qua, bà Vương Ngọc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã đề nghị các ngành, địa phương tăng cường quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa Hà Giang đến với du khách trong và ngoài nước; tăng cường quản lý các hoạt động thương mại, đảm bảo chất lượng sản phẩm trưng bày, bán cho du khách; kiểm tra, kiểm soát về an toàn thực phẩm và các điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân, du khách; yêu cầu cơ sở kinh doanh, dịch vụ, lưu trú niêm yết công khai giá sản phẩm và các dịch vụ; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho chuỗi sự kiện…
![]() |
Với sự chuẩn bị chu đáo của các ngành, địa phương, hy vọng rằng du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi đến với Hà Giang dịp lễ này. |
Hy vọng rằng, những nỗ lực trên sẽ góp phần giúp du lịch Hà Giang khẳng định thêm vị thế trên bản đồ du lịch thế giới với thương hiệu “Hà Giang - điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” và “Hà Giang - điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á”.