Nhiều địa phương bị ảnh hưởng của hạn, mặn

Tran Huy
Theo Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô 2023-2024 đã qua, tuy nhiên tuần này xâm nhập mặn vẫn tăng theo kỳ triều đầu tháng 3 âm lịch.

Trong tháng 4, xâm nhập mặn vẫn còn ở mức cao, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt. Ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập từ 50-62 km (tùy từng cửa sông). Xâm nhập mặn ảnh hưởng việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 50-60 km trong các kỳ triều cường.

Cục Thủy lợi nhận định, xâm nhập mặn tiếp tục ảnh hưởng khoảng 43.300 ha vùng chuyên canh cây ăn trái và khoảng 20.500 ha lúa, đây là diện tích vụ đông xuân muộn (vụ 3) được sản xuất ngoài kế hoạch, thuộc vùng khuyến cáo không xuống giống sau ngày 31/12/2023, cần phải tăng cường các giải pháp cấp nước tưới cho các khu vực này.

Tại Đông Nam Bộ, hiện tại khu vực này đang trong giai đoạn cao điểm mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 4 đạt khoảng 48% dung tích thiết kế. Với lượng nước trữ của các hồ chứa hiện tại bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân 2023-2024.

Tuy nhiên, với dự báo thời tiết nắng nóng và tình trạng khô hạn còn tiếp diễn, trong khu vực sẽ có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước ở thời gian cuối mùa khô với tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng khoảng 8.000-11.000 ha (gồm Bình Phước từ 6.000-8.000 ha, Đồng Nai từ 1.000-2.000 ha, Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 1.000 ha).

Theo Cục Thủy lợi, nhìn chung, tình trạng hạn hán, thiếu nước ở khu vực năm 2024 ở mức “hạn nhẹ”, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp không lớn, thời điểm bị ảnh hưởng cao nhất vào cuối mùa khô (tháng 4), đối tượng bị ảnh hưởng chủ yếu là cây trồng lâu năm nằm ngoài vùng công trình thủy lợi phụ trách tưới.