Nỗ lực ổn định cuộc sống người dân sau mưa lũ, sạt lở

Nguyễn Ánh Hiền
Mưa lũ lịch sử, sạt lở trên diện rộng đầu tháng 9/2024 tại tỉnh Thái Nguyên gây thiệt hại lớn, trong đó huyện miền núi Phú Lương bị thiệt hại nặng nề. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương huy động tối đa nguồn lực, nhân lực để khẩn trương khắc phục sạt lở, dựng lại nhà ở, khôi phục sản xuất nhằm ổn định đời sống người dân.
Sau hai tháng, với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực của gia đình, ông Đinh Văn Đế ở xóm Ao Then, xã Yên Đổ, làm lại ngôi nhà sàn mới khang trang.
Sau hai tháng, với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền và nỗ lực của gia đình, ông Đinh Văn Đế ở xóm Ao Then, xã Yên Đổ, làm lại ngôi nhà sàn mới khang trang.

Yên Đổ là một trong những xã bị mưa lũ, sạt lở gây thiệt hại lớn nhất ở huyện Phú Lương, trong đó nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị sạt lở ách tắc, 10 nhà dân bị sập đổ, 26 ngôi nhà khác bị thiệt hại đến 70% nên phải sửa chữa lại.

Huyện Phú Lương khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà bị sập đổ, 25 triệu đồng/nhà sửa chữa, đồng thời kết nối, vận động nguồn lực xã hội hóa, huy động lực lượng bộ đội, nhân lực địa phương cùng chung tay hỗ trợ các gia đình dựng lại nhà mới, sửa chữa nhà hư hỏng để sớm ổn định cuộc sống.

Nhà ở của gia đình ông Đinh Văn Đế ở xóm Ao Then, xã Yên Đổ, ở dưới chân đồi cao, bị sạt lở gần như hư hỏng hoàn toàn. Cùng với thực hiện chính sách hỗ trợ theo quy định, lãnh đạo huyện Phú Lương vận động, kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ khoảng 100 triệu đồng, cán bộ xã Yên Đổ thường xuyên động viên, ông Đế thuê máy xúc dọn sạt lở tạo nền, tận dụng vật liệu sẵn có, mua mái tôn, xi-măng, cát, sỏi, thuê thợ làm xong ngôi nhà sàn khang trang, chắc chắn vào đầu tháng 11/2024.

Nỗ lực ổn định cuộc sống người dân sau mưa lũ, sạt lở ảnh 2

Lãnh đạo huyện Phú Lương thường xuyên kiểm tra, thăm hỏi, động viên các gia đình có nhà bị sập đổ do mưa lũ, sạt lở làm lại nhà mới để ổn định cuộc sống.

Ông Đế tâm sự: “Hoàn cảnh khó khăn, nhà bị sập, nền bị sạt lở lớn, nếu không có sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương thì gia đình không thể làm lại ngôi nhà mới chắc chắn để ổn định cuộc sống sớm như thế”.

Sinh sống nhiều năm cạnh quốc lộ 3, dưới chân núi cao, ngôi nhà của gia đình bà Nguyễn Thị Đông và nhà gia đình con trai Lương Văn Thảo ở sát nhau cùng bị sạt lở làm sập đổ. Sau khi mưa lũ, gia đình bà Đông được huyện, xã và các nhà hảo tâm hỗ trợ khoảng 160 triệu đồng và đang khẩn trương hoàn thành ngôi nhà xây chắc chắn.

Thăm, kiểm tra việc xây dựng lại nhà bà Đông giữa tháng 11/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Đổ Trần Văn Thông đề nghị tốp thợ tập trung nhân lực lát nền, lợp mái, sơn tường nhằm hoàn thiện ngôi nhà mới, vào sử dụng trong vòng nửa tháng tới để gia đình bà Đông về ở, khôi phục kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Đổ Trần Văn Thông cho biết: “Được sự quan tâm, đôn đốc của lãnh đạo huyện, chính sách hỗ trợ nhà ở được triển khai nhanh, huy động nguồn lực xã hội hóa hơn 1 tỷ đồng, thời gian vừa qua toàn bộ 26 nhà bị hư hỏng trên địa bàn xã đã được sửa chữa xong, 10 nhà bị sập đổ hoàn toàn cũng đã và đang được khẩn trương xây dựng lại để người dân ổn định cuộc sống”.

Cuối tháng 10/2024, Yên Đổ tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ xã nên huy động toàn bộ nhân lực trong độ tuổi lao động của xã trong 7 ngày, sử dụng cơ giới nên sạt lở giao thông trên địa bàn xã, nhất là giao thông nông thôn, đường liên xóm, liên xã đã được khắc phục, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa.

Bão số 3 làm sập đổ nhà ở của hơn 60 hộ dân trên địa bàn huyện Phú Lương, trong đó có nhiều hộ nghèo, thiệt hại về hoa mầu, hạ tầng rất lớn. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quốc Hữu cho biết: “Chúng tôi xác định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống, sản xuất của người dân là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất”.

Nỗ lực ổn định cuộc sống người dân sau mưa lũ, sạt lở ảnh 4

Huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản khắc phục xong sạt lở giao thông, nhất là giao thông nông thôn để nhân dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.

Do đó, nhân lực trên địa bàn được huy động tối đa, nguồn lực của tỉnh và của huyện là gần 30 tỷ đồng để khắc phục sạt lở giao thông, làm mới nhà ở bị sập đổ, sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng để người dân sớm ổn định cuộc sống. Trong lúc khó khăn, không có hộ nào bị thiếu đói, con em đi học bình thường.

Cấp ủy, chính quyền huyện Phú Lương đã và đang cử các tổ cán bộ cùng với các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát, đánh giá thực trạng, mức độ, nguy cơ sạt lở đến từng hộ gia đình, từng khu vực để có phương án xử lý phù hợp, tạo an toàn, ổn định lâu dài cho người dân.

Cùng với nỗ lực khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai, hệ thống chính trị trên địa bàn và người dân Phú Lương đang chung sức, đồng lòng hoàn thiện các tiêu chí còn lại để trình cấp thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt, công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2024.