Phát hiện sớm ung thư tiêu hóa nhờ AI

Nguyễn Ánh Hiền
Nội soi tiêu hóa can thiệp với những kỹ thuật tiên tiến là phương pháp tối ưu để sàng lọc, phát hiện, chẩn đoán và điều trị những bệnh lý đường tiêu hóa. Triệu chứng của ung thư đường tiêu hóa dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa thông thường, nhưng hiện nay ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp phát hiện sớm bệnh.

Ung thư đường tiêu hóa là một trong những bệnh ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam. Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày các bác sĩ thực hiện nội soi tiêu hóa từ 800-1.000 ca. Trong số này, nhiều bệnh nhân phát hiện ung thư (chiếm 1-2%), chủ yếu ở người trên 50 tuổi.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai PGS,TS Đào Xuân Cơ cho biết, trong những năm gần đây, ngành nội soi can thiệp tiêu hóa đã có những tiến vượt bậc, ung thư đường tiêu hóa được phát hiện từ rất sớm, thậm chí từ ngay khi tổn thương ở niêm mạc, các bác sĩ cũng đã phát hiện. Với các tổn thương nghi ngờ ác tính, các bác sĩ chỉ cần cắt tách niêm mạc bị tổn thương bằng phương pháp nội soi, giúp ngăn tổn thương tiến triển và xâm lấn các tổ chức xung quanh, người bệnh có thể hoàn toàn khỏe mạnh trở lại. Đặc biệt, với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), các bác sĩ đã có thể phát hiện và chẩn đoán tổn thương, dù rất nhỏ nhất, khó thấy bằng mắt thường. Hệ thống nội soi tiêu hóa ứng dụng AI là bước đột phá trong lĩnh vực này, giúp tối ưu kết quả chẩn đoán.

Phát hiện sớm ung thư tiêu hóa nhờ AI
Trước sự gia tăng của ung thư đường tiêu hóa, Hội Nội soi Tiêu hóa Can thiệp Việt Nam đã được thành lập. Ảnh: THÙY DƯƠNG

Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều đơn vị y tế các tỉnh, các bệnh viện khác để người dân được tiếp cận và thụ hưởng thành quả y học hiện đại dễ dàng. Theo các chuyên gia, bệnh lý tiêu hóa, nhất là ung thư đường tiêu hóa, ngày càng gia tăng. Bệnh diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu nên tỷ lệ ung thư tiêu hóa phát hiện muộn còn cao. Trước sự gia tăng của ung thư đường tiêu hóa, Hội Nội soi Tiêu hóa Can thiệp Việt Nam đã được thành lập. Đây là một dấu mốc mở ra bước phát triển mới cho chuyên ngành tiêu hóa, tạo điều kiện cho ngành có nhiều cơ hội mới để phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Theo PGS,TS Nguyễn Công Long, Giám đốc Trung tâm Tiêu hóa - Gan mật (Bệnh viện Bạch Mai), Chủ tịch Hội Nội soi Tiêu hóa Can thiệp Việt Nam chia sẻ: "Bệnh lý về đường tiêu hóa ở nước ta chiếm tỷ lệ cao trong nhóm bệnh nội khoa và ngoại khoa với biểu hiện triệu chứng đa dạng, phong phú, tiến triển âm thầm nhưng phức tạp".

Phát hiện sớm ung thư tiêu hóa nhờ AI

Việt Nam đã ứng dụng nhiều kỹ thuật hiện đại để phát sớm ung thư đường tiêu hóa. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai cung cấp

Để tầm soát ung thư về đường tiêu hóa giúp phát hiện và chẩn đoán sớm, từ đó có cơ hội điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, PGS,TS Nguyễn Công Long khuyến cáo, những người cần chủ động nội soi tầm soát bệnh như người trên 50 tuổi, người hút thuốc lá, uống rượu bia nhiều, người có tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày, đại tràng, người mắc viêm dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày… Ngoài ra, những người có các dấu hiệu cảnh báo ung thư tiêu hóa như: Khó nuốt, đầy hơi, khó tiêu, trào ngược dạ dày, đau bụng, nôn khan và nôn ra máu kéo dài kèm theo mệt mỏi, sụt cân. Người bệnh gặp những rối loạn và hiện tượng như táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, đại tiện ra máu… cũng cần đến cơ sở y tế để tầm soát và điều trị sớm.

Đối với nội soi đường tiêu hóa định kỳ, PGS,TS Nguyễn Công Long cho biết, không có công thức chung cho mọi người bệnh mà tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể. Người từ 40-50 tuổi, không có tiền sử, đặc biệt nội soi lần đầu tiên cho kết quả bình thường thì 3-5 năm soi lại một lần. Nếu nội soi phát hiện có viêm dạ dày mạn tính, mức độ nặng nên làm lại mỗi năm một lần. Người có nguy cơ cao, trên 35 tuổi nên thực hiện mỗi năm 1 lần. Người đã cắt polyp nội soi theo tư vấn của bác sĩ.