Rối loạn tâm thần ở trẻ và lời cảnh báo cho cha mẹ

Nguyễn Ánh Hiền
Có khoảng 1/3 trẻ em Việt Nam có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung (có ít nhất một rối loạn tâm thần). Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng rối loạn lo âu. Thiếu sự đồng hành của cha mẹ dẫn đến trẻ có nhiều hành vi gây tổn hại cho sức khỏe.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ về tình trạng rối loạn tâm thần ở trẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ về tình trạng rối loạn tâm thần ở trẻ.

Vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ em hiện nay rất nhức nhối

Một bệnh nhi 14 tuổi, được đưa đến khám tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương với nhiều vết cắt từ cổ đến chân. Khi nhìn thấy tổn thương đó, cha mẹ nói đây là vết mèo cào, con đi khám vì đau đầu nên bác sĩ đừng quan tâm vết cào đó.

Nhưng thực tế, các bác sĩ biết đây không phải là vết mèo cào. Sau khi đề nghị kiểm tra toàn bộ cơ thể, các bác sĩ nhận thấy những bộ phận nhạy cảm trẻ cắt theo hình mắt lưới.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, khi hỏi trẻ vì sao con có hành vi tự làm đau mình như vậy, trẻ trả lời: "Con là con gái, nhưng con không muốn con là con gái".

Theo bác sĩ Mai, đây là rối loạn bản dạng giới tính rất phổ biến nhưng trẻ không có cơ hội chia sẻ với bố mẹ. Cha mẹ của bệnh nhi này khi nghe con nói về giới tính của mình thì đều gạt đi, và cho rằng đây là tư duy sai lệch. Cha mẹ tìm cách trách mắng, sử dụng đòn roi và những câu nói nặng nề để đứa trẻ thu tâm trí lại.

"Tuy nhiên, với những trẻ này, khi bị người lớn từ chối, không được chia sẻ, thì những vấn đề này ở trẻ chuyển sang hoạt động phản ứng với sự kiểm soát của với cha mẹ", bác sĩ Mai nhấn mạnh đây là điều rất nguy hiểm khiến trẻ có hành vi tự làm tổn hại bản thân.

Rối loạn tâm thần ở trẻ và lời cảnh báo cho cha mẹ ảnh 1

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ hội thảo “Tương lai cho thế hệ vươn mình”.

Chia sẻ tại hội thảo “Tương lai cho thế hệ vươn mình” do Báo Nhân Dân tổ chức ngày 4/4, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ em hiện nay rất nhức nhối.

Có khoảng 1/4 trẻ vị thành niên bị trầm cảm. Theo bác sĩ Mai, trầm cảm ở trẻ em khác người lớn, các em không mang phong thái trầm buồn mà kích thích, kích động, cãi bố mẹ, chống đối… Có trẻ còn có ý tưởng tự sát, hành vi tự sát.

"Có bệnh nhi tới khám, có trẻ chia sẻ lên kế hoạch tự tử chi tiết thời gian nào bố mẹ đi làm, con chuẩn bị thuốc và các dụng cụ như thế nào. Bạn còn đưa cuốn nhật ký và nói: "Bác xem này, kế hoạch chết của con đây này". Điều này rất đau lòng", bác sĩ Mai nói.

Nhiều rối loạn tâm thần ở trẻ

Theo thống kế mới nhất, có tới 29% trẻ em Việt Nam, tức là chiếm 1/3 số trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần nói chung (có ít nhất một rối loạn tâm thần). Hiện rối loạn phổ biến nhất hiện nay là rối loạn lo âu.

Bác sĩ Mai cho biết, nhiều cha mẹ nghĩ rằng con mình tuổi ăn, học không có gì căng thẳng lo âu. Nhưng thực tế, rối loạn lo âu có nhiều hình thái khác nhau như trẻ con chịu nhiều áp lực học tập, kỳ vọng từ cha mẹ, rối loạn lo âu chia ly.

"Chúng tôi phát hiện sớm nhất có những trẻ 3 tuổi đã bị rối loạn lo âu. Chúng ta thường nói trẻ 3 tuổi thì lo vấn đề gì. Nhưng hiện nay, có khoảng 44% trẻ em có vấn đề lo âu không đến khám tại phòng khám tâm thần mà chủ yếu đi khám bệnh lý tiêu hóa, đau đầu.

Nhiều gia đình thấy trẻ đau bụng thường xuyên khó kiểm soát, táo bón kéo dài, rối loạn giấc ngủ, đau đầu kéo dài… nhưng khi được bác sĩ nhi khoa điều trị tích cực, tình trạng không cải thiện. Khi đưa trẻ sang khoa Tâm thần thì chúng tôi phát hiện các cháu mắc rối loạn lo âu”, bác sĩ Mai nói.

Theo bác sĩ Mai, một vấn đề nổi cộm hiện nay chính là rối loạn phát triển thần kinh. Khi trẻ lớn cần quá trình tăng trưởng về chiều cao, cân nặng và hình thành kỹ năng, cảm xúc, hành vi. Tuy nhiên, cha mẹ gần như không để ý tới việc này một cách đầy đủ.

Các vấn đề rối loạn phát triển thần kinh, điển hình là rối loạn học tập, khó khăn trong một kỹ năng nào đó như khả năng học Toán, kỹ năng đọc, viết... dễ bị nhầm với em trẻ chậm phát triển. Việc can thiệp với em này gần như không hiệu quả.

Không may, các trường hợp này hầu hết đến viện ở lứa tuổi 14-15 và cha mẹ chủ yếu đưa con đến khám với mục đích xin xác nhận tình trạng khuyết tật bệnh tật. Nhưng sau khi test, các bác sĩ phát hiện trẻ trí tuệ 100% nhưng kỹ năng làm toán, làm văn, đọc... rất khó khăn.

Theo bác sĩ Mai, rối loạn học tập chiếm 36% trong tất cả các rối loạn phát triển.

Bên cạnh đó, rối loạn thứ 2 hay gặp phải là tăng động, giảm chú ý. Vấn đề tăng động, giảm chú ý hiện nay cũng bị nhầm lẫn với tự kỷ. Có nhiều cha mẹ đưa con đi khám khi ở lớp con phá lớp, không hợp tác, xé sách, đánh bạn… Khi tới khám, các bạn trẻ đó có trao đổi với bác sĩ là các con không kiểm soát được cảm xúc, hành vi. Nhưng hầu hết cha mẹ đưa con đi can thiệp ở thời điểm này đã quá muộn.

Rối loạn tâm thần ở trẻ và lời cảnh báo cho cha mẹ ảnh 2

Cha mẹ cần đồng hành cùng con cái trong quá trình phát triển thể chất, tâm sinh lý của con.

Rối loạn tăng động giảm chú ý là rối loạn phát triển thần kinh duy nhất có thuốc điều trị, nhưng có nhiều bố mẹ từ chối điều trị vì nghĩ tâm thần là bệnh gì đó rất đáng sợ. Nhưng khi điều trị đầy đủ, trẻ thay đổi hẳn và tiến bộ rõ rệt.

Một vấn đề tâm thần hiện nay mà nhiều gia đình rất khó khăn can thiệp cho con chính là rối loạn phổ tự kỷ. Rối loạn phổ tự kỷ rất dễ nhầm với tăng động, giảm chú ý. Trẻ rối loạn phổ tự kỷ gặp khó khăn trong tác xã hội, sử dụng ngôn ngữ, lặp lại hành vi.

"Sai lầm của cha mẹ khi thấy con chưa biết nói lại cứ chờ đợi đến tầm 3 tuổi mới đi khám. Khi đó thì việc can thiệp gặp đầy khó khăn. Nếu phát hiện sớm trước 3 tuổi, việc can thiệp hiệu quả hơn nhiều", bác sĩ Mai chia sẻ.

Mối nguy hại từ bắt nạt học đường

Một vấn đề nổi cộm hiện nay ảnh hưởng rất lớn tới tâm trí trẻ chính là tình trạng bắt nạt học đường ngày càng tinh vi.

Bác sĩ Mai cho biết, Khoa Tâm thần đã tiếp nhận nhiều em đến khám trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ. Có những trường hợp bị nhóm bạn cầm điện thoại livestream bắt nạt. Trong lúc vừa livestream, nhóm này hỏi cộng đồng mạng xem "nên đánh vào phần nào của bạn".

Khi đưa con đến khám, gia đình không hề biết con mình bị bắt nạt tại lớp học. Gia đình chỉ quan tâm đến vấn đề học hành và kỷ luật của con ở lớp, còn quan hệ bạn bè bị bỏ ngỏ.

"Chúng tôi gọi tình trạng của các bạn nhỏ này là bị bắt nạt học đường. Khác với bạo lực học đường là tác động tổn thương về mặt thể chất, bắt nạt học đường gây ra những tổn thương về mặt tinh thần. Mà chúng ta không thể cân đo đong đếm được mức độ tổn thương tinh thần sẽ ảnh hưởng tới trẻ như thế nào", bác sĩ Mai nói.

Trong quá trình công tác, bác sĩ Mai cũng bày tỏ, hiện có nhiều vấn đề các bác sĩ vô cùng nhức nhối là hiện nay là việc tham khảo thông tin trên mạng của các cha mẹ. Mạng xã hội lan truyền nhiều kiến thức, nhưng hầu hết là kiến thức chưa được kiểm chứng, dẫn đến cha mẹ bị định hướng sai, can thiệp sai cho con, bỏ lỡ thời gian vàng can thiệp cho con.

“Nhiều thông tin cho rằng trẻ tự kỷ không được phép uống sữa. Thực tế, trẻ cần uống sữa theo nhu cầu để tăng trưởng chiều cao, nhưng nhiều cha mẹ cắt bỏ sữa, thịt bò, protein cho trẻ. Như vậy, trước khi trẻ hình thành kỹ năng thì trẻ đã suy dinh dưỡng”, bác sĩ Mai cho hay.

Do đó, chuyên gia này nhấn mạnh, sự phát triển của trẻ không chỉ ở thể chất, mà còn ở tinh thần, sinh lý... Các cha mẹ đóng vai trò quan trọng để phát hiện sớm những rối loạn tâm thần ở trẻ, cho con đi khám chuyên khoa để có những xử lý kịp thời.