Tài năng, tâm huyết của văn nghệ sĩ không ngừng nảy nở

Nguyễn Ánh Hiền
Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2023 đánh dấu tròn 30 mùa trao giải. Những năm gần đây, với sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ trong cả nước, phát hiện, bồi dưỡng lực lượng trẻ, giải thưởng thể hiện ngày càng được mở rộng về quy mô, lựa chọn được những tác phẩm có chất lượng tốt về nội dung và nghệ thuật.

Trẻ hóa đội ngũ sáng tạo

Cùng đoạt giải A - giải thưởng cho tác phẩm của tác giả là hội viên hội VHNT tỉnh, thành phố như các tác phẩm: Bức tranh “Ký ức” của tác giả Huỳnh Minh Ngọc (Hội VHNT tỉnh An Giang); bộ ảnh “Hoàng hôn Sài Gòn” của tác giả Trần Ngọc Dũng (Hội VHNT TP Hồ Chí Minh); tập tản văn “Làm rể miền Tây” của tác giả Nguyễn Hội (Hội VHNT tỉnh Long An), nhưng tập thơ “Một ngày từ bên trong” của tác giả Minh Anh (Hội VHNT TP Hồ Chí Minh) gây bất ngờ hơn cả, bởi tác giả của tập thơ này trẻ tuổi nhất mùa giải năm nay (16 tuổi). Tập thơ được Hội đồng giải thưởng đánh giá cao vì sự sáng tạo mới mẻ, từ nội dung đến phong cách thể hiện hiện đại, ngôn ngữ lôi cuốn.

van-hoc-nghe-thuat-1705545449.jpg
Ban tổ chức trao giải thưởng tác phẩm xuất sắc tới các hội VHNT chuyên ngành Trung ương.

Minh Anh hiện học tập tại một trường quốc tế ở TP Hồ Chí Minh. Nữ sinh 16 tuổi cho biết đã hoàn thiện tập thơ trong vòng 8 năm, có những bài thơ em viết năm 8 tuổi. Hồi đó, cô bé đi tham quan hang động ở Quảng Bình, những nhũ đá tuyệt đẹp đã truyền cảm hứng sáng tạo cho em. Chủ đề yêu thích trong sáng tác của Minh Anh là sự liên kết giữa quá khứ và tương lai, những khái niệm về cuộc sống như hạnh phúc, tự do, thành công...

Minh Anh bày tỏ: “Thơ chính là con người. Nó chính là những suy nghĩ của mỗi người. Nó là một cách nghiên cứu sâu hơn về bộ não của con người mà không dùng công nghệ. Mỗi người đều có một cái đẹp mà cả công nghệ và thơ sẽ không bao giờ bộc lộ được. Vì vậy, em tin rằng thơ có thể lột tả được nhiều cái đẹp của con người”.

Năm 11 tuổi, Minh Anh ra mắt tập thơ “The Painting” bằng tiếng Anh, được bạn đọc hưởng ứng, cuối năm 2021, Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành tác phẩm bằng tiếng Việt “Bức tranh huyền bí”, do Hoàng Ngọc Diệu dịch. Tại Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc diễn ra tháng 6-2022, Minh Anh là đại biểu trẻ nhất tham dự, được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi.

Chia sẻ với báo chí khi giành giải A mùa giải năm nay, Minh Anh bày tỏ vinh dự và cho rằng giải thưởng là nguồn cổ vũ để một người viết trẻ như cô bé đam mê sáng tác để góp thêm sự đa dạng, sáng tạo cho sự phát triển văn chương, nghệ thuật nước nhà.

Đề cao tính chuyên nghiệp, sáng tạo

Giải thưởng VHNT năm 2023 thu hút 372 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc 58/63 hội VHNT các tỉnh, thành phố gửi tham dự. Hội đồng giải thưởng đã lựa chọn và trao 60 giải thưởng cho các tác giả, tác phẩm thuộc 35 hội VHNT tỉnh, thành phố; ngoài 4 giải A còn trao 14 giải B, 19 giải C, 18 giải Khuyến khích và 5 giải Tác giả trẻ. Bên cạnh đó còn trao 9 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc do các hội VHNT chuyên ngành Trung ương giới thiệu. Các tác phẩm được trao giải thưởng thuộc các chuyên ngành văn học, sân khấu, mỹ thuật, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian.

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cho biết: “Giải thưởng VHNT năm 2023 phản ánh khách quan các tác phẩm VHNT của những tác giả là hội viên của các hội VHNT tỉnh, thành phố đã từng bước nâng cao chất lượng và đề cao tính chuyên nghiệp, thể hiện ở việc nhiều tác phẩm đã được xuất bản, tham gia triển lãm hoặc được công bố, trình diễn, được công chúng ghi nhận và báo chí đề cập đến.

Trong nhiều tác phẩm, các tác giả trẻ tỏ rõ có tìm tòi, đổi mới nhưng nội dung, chủ đề vẫn bám sát đời sống, hướng đến nét đẹp truyền thống và đạo lý của dân tộc. Điều đó chứng tỏ bước trưởng thành, phát triển mạnh mẽ của hoạt động sáng tạo, nghiên cứu lý luận, sưu tầm của văn nghệ sĩ các chuyên ngành trong toàn khối ở Trung ương cũng như ở các tỉnh, thành phố.

Các tác phẩm dự giải và đoạt giải cho thấy tâm huyết và tài năng của văn nghệ sĩ vẫn không ngừng nảy nở, hoàn thiện, trong đó đội ngũ tác giả trẻ, tác giả nữ, tác giả là người dân tộc thiểu số đã bộc lộ những tiềm năng đáng trân trọng, cần dày công vun xới để tiếp tục nở rộ, đơm hoa kết trái rực rỡ”.

Cũng theo PGS, TS Đỗ Hồng Quân, ngoài việc trao giải thưởng, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam sẽ phối hợp với các hội VHNT Trung ương, hội VHNT tỉnh, thành phố và các đơn vị liên quan lựa chọn những tác phẩm có chất lượng tốt về nội dung và nghệ thuật để xuất bản sách, tổ chức dàn dựng biểu diễn... phục vụ bạn đọc và khán giả.

9 tác phẩm xuất sắc của 9 hội VHNT chuyên ngành Trung ương, gồm: Tác phẩm múa “Lụa mây” của Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Anh Phương (Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam); bộ ảnh “Hạt vàng gieo những niềm vui” của Nguyễn Hiền Thanh (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam); sách chuyên khảo “Nghệ thuật viết kịch bản phim truyện truyền hình” của PGS, TS Đỗ Lệnh Hùng Tú (Hội Điện ảnh Việt Nam); “Thủy phủ” của họa sĩ Trịnh Minh Tiến (Hội Mỹ thuật Việt Nam); công trình Nhà văn hóa bản Bạch Sơn xã Cam Lâm, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An của kiến trúc sư Công Nguyễn (Hội Kiến trúc sư Việt Nam); ca khúc “Inh lả về Điện Biên đấy” của nhạc sĩ Vương Khon (Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam); nghiên cứu “Văn hóa dân gian biển, đảo xứ Thanh” của tác giả Hoàng Bá Trường (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam); hợp xướng “Dáng đứng Ấp Bắc” của nhạc sĩ Chung Hữu Phú (Hội Nhạc sĩ Việt Nam); tập tiểu luận phê bình văn học thiếu nhi “Dòng chảy lấp lánh” của tác giả Nguyễn Thanh Tâm (Hội Nhà văn Việt Nam).