Thận trọng và chủ động ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

Tran Huy
Ngày 14/8/2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm (PHEIC) nhằm huy động các nguồn lực y tế công cộng toàn cầu và khu vực để giám sát, ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa đang đặt ra.
Việt Nam cần huy động các nguồn lực y tế công cộng để giám sát và ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh SƠN TÙNG)
Việt Nam cần huy động các nguồn lực y tế công cộng để giám sát và ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ. (Ảnh SƠN TÙNG)

Bệnh đậu mùa khỉ (MPOX) trước đây được coi là bệnh lưu hành đặc hữu ở vùng Trung Phi nhưng vẫn được xếp vào nhóm bệnh hiếm gặp với các trường hợp bệnh xuất hiện lẻ tẻ ở người sau khi tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh.

Điều gì dẫn đến tình trạng khẩn cấp

MPOX có biểu hiện với những triệu chứng tương tự bệnh đậu mùa nhưng ít nghiêm trọng hơn do vi-rút Orthopoxvirus gây ra với hai nhánh riêng biệt đã được xác định là: Clade I và Clade II. Kể từ tháng 5/2022, các ca bệnh và tình trạng lây truyền MPOX được ghi nhận ở nhiều quốc gia bên ngoài khu vực châu Phi, nơi chưa từng xuất hiện trường hợp bệnh trước đó.

Hiện nay, Clade I- chủng gây ra các tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn trong lịch sử đang bùng phát ở châu Phi gây ra hơn 17.400 ca nhiễm và 500 ca tử vong, thực tế có thể cao hơn nhiều do khả năng phát hiện và báo cáo có thể chưa đầy đủ. Số liệu chính thức của WHO cho thấy có gần 8.000 trường hợp trong năm nay chủ yếu ở Cộng hòa Dân chủ Congo, trong đó có 384 trường hợp tử vong (chiếm 4,9% số ca mắc), gần một nửa trong số này là trẻ em dưới 15 tuổi, trong đó có những trường hợp mắc ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Phần lớn các trường hợp mắc mới là biến thể phụ Clade Ia, với hơn 80% số trường hợp là trẻ em và chiếm 85% số ca tử vong. Biến thể phụ thứ hai, Clade Ib, đang lan rộng ở người trưởng thành. Trong lịch sử, Clade I có tỷ lệ tử vong cao là 10% trong khi Clade II chưa tới 1%. Cũng có bằng chứng cho thấy chủng Clade I nguy hiểm hơn, với tỷ lệ tử vong từ 3-5%.

Dữ liệu mô hình động vật và một nghiên cứu dịch tễ học nhỏ đã xác nhận Nhánh I có độc tính di truyền cao hơn, tuy nhiên những hiểu biết về biến chủng này vẫn chưa thật sự rõ ràng. Các trường hợp bệnh do Clade I cũng đã xuất hiện ở một số nước châu Phi không lưu hành trước đó và cũng đã bắt đầu lan sang với trường hợp du lịch đã được phát hiện ở Thụy Ðiển.

Như vậy, sự xuất hiện và diễn biến gia tăng về nhiều mặt của bệnh MPOX, bao gồm cả những hiểu biết chưa chắc chắn chung quanh nó, nhất là với chủng Clade I và khả năng kiểm soát dịch bệnh MPOX tại các quốc gia đang trải qua đợt bùng phát dịch bệnh có thể khiến dịch bùng phát và lan rộng hơn nữa. Do vậy, WHO công bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động các nguồn lực y tế công cộng toàn cầu và khu vực để giám sát và ứng phó tốt hơn với các mối đe dọa đang đặt ra.

Tình hình bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam

Bắt đầu từ tháng 9/2022, Việt Nam ghi nhận trường hợp mắc MPOX đầu tiên thuộc nhánh Clade I. Từ đó đến nay, cả nước ghi nhận 202 ca bệnh với 8 trường hợp tử vong tại 18 tỉnh, thành phố. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 67 trường hợp mắc bệnh, 2 tử vong. Tại khu vực phía Nam, trong 2 năm 2023-2024 ghi nhận 200 trường hợp (8 tử vong), trong đó nhiều nhất là: TP Hồ Chí Minh (156 ca), Long An (8 ca)...

Ðiều này cho thấy, trong bối cảnh MPOX gia tăng nhanh ở một số quốc gia trên thế giới, nhất là châu Phi với những biến chủng nguy hiểm hơn, dễ lây hơn ở cả người lớn và trẻ em đồng thời tỷ lệ tử vong cao hơn, hoàn toàn có thể xâm nhập vào Việt Nam với sự nguy hiểm cao hơn trong thời gian tới.

Sau sự bùng phát của dịch Covid-19 và với thông báo của WHO tuyên bố bùng phát bệnh MPOX là tình trạng khẩn cấp về sức khoẻ cộng đồng, điều này sẽ làm nhiều người lo sợ và quan ngại sẽ phải đối mặt với một loại vi-rút khác có khả năng gây chết người với tỷ lệ tử vong thậm chí còn cao hơn Covid-19. Tuy nhiên, thay vì hoang mang lo lắng, chúng ta cần nâng cao sự thận trọng, chủ động trong công tác phòng chống, kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Việt Nam đã ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ trong thời gian gần đây với xu hướng tăng dần. Tuy nhiên, tổng số ca bệnh vẫn còn ở mức thấp và chủ yếu là nhập cảnh từ nước ngoài, được cách ly, điều trị kịp thời. Chưa có các ổ dịch thứ phát tại cộng đồng nào được phát hiện mà chỉ dừng ở một số trường hợp tản phát.

Từ những kinh nghiệm trong phòng chống đại dịch Covid-19, những hướng dẫn về giám sát phòng chống, phòng ngừa lây nhiễm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ đã được Bộ Y tế Việt Nam ban hành từ rất sớm, trước thời điểm ghi nhận trường hợp mắc đầu tiên năm 2022 cho thấy sự chủ động trong công tác chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với tình hình dịch bệnh.

Ngành y tế Việt Nam đã có kế hoạch ứng phó với dịch bệnh, bao gồm: Tăng cường giám sát với việc tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phân tích tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp nghi ngờ; nâng cao năng lực xét nghiệm bảo đảm nhanh chóng và chính xác để xác định các ca bệnh sớm; chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện y tế, thuốc men và dụng cụ y tế cần thiết để điều trị cho bệnh nhân và cập nhật thông tin và hướng dẫn cho cộng đồng các biện pháp phòng ngừa, nâng cao ý thức phòng bệnh trong cộng đồng; tăng cường đào tạo và nâng cao năng lực cho nhân viên y tế về MPOX.

Ðể bảo đảm những giải pháp đó, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống bao gồm tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ ngay tại cửa khẩu và xây dựng kế hoạch. Chuẩn bị và diễn tập các kịch bản phòng chống theo các tình huống và phù hợp với địa phương với sự tham gia hỗ trợ của các ban, ngành thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh; tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch và hỗ trợ ngành y tế trong công tác giám sát, điều trị và xét nghiệm…

Thách thức lớn liên quan đến đậu mùa khỉ là hệ thống y tế hiện tại đang gặp nhiều cản trở và thách thức liên quan đến bảo đảm hậu cần, trang thiết bị và thuốc bao gồm cả xét nghiệm. Ðể có sự chủ động như trước đây trong phòng chống dịch, cần có những điều chỉnh phù hợp thúc đẩy công tác dự phòng cũng như tạo cơ hội cho phát triển các giải pháp đặc hiệu hơn như vắc-xin nhằm chủ động phòng chống dịch. Vắc-xin MPOX cũng không khác nhiều vắc-xin phòng đậu mùa trước đây, với khả năng công nghệ của Việt Nam, chúng ta có thể tạo ra vắc-xin nếu có thêm các hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Và để thành công trong bất cứ can thiệp y tế nào cũng cần sự chung tay của người dân bằng việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh như vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với người bệnh, tuân thủ điều trị. Mặt khác, chủ động theo dõi, cập nhật thông tin chính thức về dịch bệnh từ các cơ quan y tế; thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các dấu hiệu nghi ngờ cũng như tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

PGS, TS PHẠM QUANG THÁI

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương