Tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn hiện đại

Tran Huy
Với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) đã và đang nâng cao chất lượng sống của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Song, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn đặt ra và cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Cán bộ, đoàn viên và người dân tham gia Ngày hội chuyển đổi số xã Hòa Phước.
Cán bộ, đoàn viên và người dân tham gia Ngày hội chuyển đổi số xã Hòa Phước.

Triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2023-2025, thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tổ chức đồng bộ, thống nhất trên nền tảng công nghệ số; có ít nhất một mô hình thí điểm xây dựng thôn thông minh-xã kết nối theo lĩnh vực nổi trội.

Thôn, xã thông minh

Là xã được chọn triển khai thí điểm xây dựng xã nông thôn mới thông minh, xã Hòa Phước (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đã duy trì và phát huy thành tựu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhất là các tiêu chí thông tin và truyền thông, nhằm từng bước hiện đại hóa từ thôn đến xã. Thời điểm này, đến thôn Trà Kiểm (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang), thôn đi đầu trong xây dựng thôn thông minh của huyện, dễ nhận thấy nhiều công trình, hạng mục đã được số hóa như: Bảng hiệu chào mừng chạy LED, camera giám sát, loa phát thanh, mạng wifi công cộng...

Để hình dung rõ hơn về thôn thông minh, chúng tôi đã đến gặp ông Nguyễn Hải Lý, Bí thư Chi bộ thôn Trà Kiểm, kiêm Tổ trưởng Tổ Công nghệ số cộng đồng của thôn. Khi trao đổi với phóng viên, dù hơn 60 tuổi, ông Lý vẫn đặt chiếc điện thoại thông minh bên mình, thi thoảng mở máy để tương tác với các phần mềm trên điện thoại như một thói quen. “Sáng thức dậy, tôi thường xem điện thoại để cập nhật tình hình của thôn, chi bộ thôn, văn bản mới của xã trên tin nhắn Zalo. Nó nhiều lợi ích lắm. Các nghị quyết của chi bộ thôn, giấy mời họp đều gửi lên nhóm để các thành viên nghiên cứu trước, đến lúc họp phát biểu sâu hơn. Thôn giờ có “tai, mắt” khắp nơi nhờ camera an ninh. Bảng hiệu chào mừng bằng màn hình LED trước đây phải có người leo lên tắt, giờ bật, tắt, điều chỉnh đều được thực hiện qua ứng dụng này hết. Nói chung, thông minh ở chỗ tiện lợi mọi lúc, mọi nơi”, ông Lý vừa nói, vừa mở các ứng dụng điều hành thôn như các nhóm Zalo, phần mềm camera, điều khiển bảng LED... Từ khi có chuyển đổi số, tầm nhìn của người dân trong thôn đã “vượt lũy tre làng”, dần thu hẹp khoảng cách về đời sống giữa nông thôn và thành thị.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Phước Trần Văn Dương, giai đoạn 2023-2025, địa phương triển khai xây dựng bốn thôn thông minh, phấn đấu nhân rộng mô hình với các thôn còn lại; trong đó, xây dựng thôn Trà Kiểm đạt chuẩn thôn thông minh trong năm 2024 theo Bộ tiêu chí thôn thông minh do thành phố ban hành. Đến nay, 10 thôn trên địa bàn xã Hòa Phước đều đạt một số tiêu chí về hạ tầng internet cáp quang, truyền thanh, camera giám sát, ứng dụng nền tảng Zalo trong quản lý và điều hành; riêng thôn Trà Kiểm đạt 7/8 tiêu chí về thôn thông minh. Từ xã đến thôn, nhiệm vụ chuyển đổi số đã được các cấp ủy triển khai hiệu quả, lấy người dân làm chủ thể trực tiếp thực hiện và hưởng lợi. Ông Trần Văn Dương chia sẻ: “Công cuộc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới của Hòa Phước được người dân hưởng ứng rất tích cực. Nhờ đó, chuyển đổi số thực hiện đồng bộ trên ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; nổi bật là kinh tế số với sự phát triển của thương mại điện tử”.

Cần phát triển nhân lực số đúng tầm chiến lược

Việc triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh trên địa bàn huyện Hòa Vang đã đạt được một số kết quả tích cực ban đầu. Nổi bật trong đó là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đồng bộ từ huyện đến xã, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại Ủy ban nhân dân huyện Hòa Vang; xây dựng mã vạch, mã QR truy xuất nguồn gốc và đưa 100% sản phẩm OCOP của địa phương lên các sàn thương mại điện tử. Tuy vậy, việc triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện trong thời gian qua chưa được toàn diện và còn lúng túng, thiếu sự đột phá.

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng, công cuộc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hạ tầng số chưa đồng bộ; thiếu trang thiết bị công nghệ thông tin; kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin của người dân ở một số thôn, xã còn nhiều hạn chế... Một số tiêu chí khi đi vào thực tế triển khai gặp nhiều khó khăn nhưng chưa được tháo gỡ vướng mắc, hoặc có hướng dẫn thực hiện, đánh giá cho phù hợp như tiêu chí y tế về tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, tỷ lệ dân số có sổ khám bệnh điện tử.

Một vấn đề nữa là đa số địa phương chỉ bố trí cán bộ hoạt động kiêm nhiệm về công nghệ thông tin, thiếu cán bộ chuyên trách trong chuyển đổi số, dẫn đến việc các xã chưa có giải pháp để thực hiện chuyển đổi số phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Theo Ủy ban nhân dân xã Hòa Phước, hiện nay xã không có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin, dẫn đến nhân lực khó đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số, gây khó khăn trong công tác tham mưu triển khai xây dựng xã thông minh; đồng thời, chưa có kinh phí hỗ trợ để động viên, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động các tổ công nghệ số cộng đồng, nhằm gắn bó chặt chẽ họ trong công việc. “Cán bộ thực hiện việc chuyển đổi số đều là kiêm nhiệm, trong khi khối lượng công việc rất lớn. Cần có thêm cơ chế hỗ trợ về nhân lực và kinh phí, để đầu tư trang thiết bị, bồi dưỡng và tổ chức đào tạo năng lực chuyển đổi số một cách bài bản hơn”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Phước Trần Văn Dương cho hay.

Thực tế cho thấy, việc vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi số thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng đã kịp thời phát huy hiệu lực, hiệu quả của các giá trị văn hóa làng xã. Theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi Tổ công nghệ số cộng đồng có từ bốn đến chín thành viên, trong đó lực lượng nòng cốt là tổ trưởng các tổ dân phố, công an khu vực, đoàn thanh niên và doanh nghiệp công nghệ số. Đến nay, 113 thôn trên địa bàn huyện đều đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số hơn 780 thành viên. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả thiết thực trong nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, điểm hạn chế của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn trên địa bàn huyện là hầu hết thành viên đã lớn tuổi và đang hoạt động kiêm nhiệm. Trong khi đó, công nghệ, phần mềm và các quy trình kỹ thuật thay đổi nhanh chóng, do đó tạo ra khoảng cách về kỹ năng công nghệ thông tin giữa các thành viên trong cộng đồng.

Để lan tỏa tinh thần quyết tâm chuyển đổi số đến người dân và thu hút các nguồn lực xã hội tham gia chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Hòa Vang đã xây dựng quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp viễn thông, nhằm phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, tổ chức các lớp tập huấn, các hoạt động thi đua, ngày hội chuyển đổi số ■

BÀI VÀ ẢNH: CÔNG VINH