Thiết chế tốt, phong trào mạnh ở Quảng Ninh

Nguyễn Ánh Hiền
Cùng với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định xã hội hóa các hoạt động văn hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Đây là chính sách lâu dài, là phương châm nhằm đạt tới hiệu quả xã hội ngày càng cao trong các hoạt động văn hóa của tỉnh.

Những công trình mang tính biểu tượng

Hoàn thành từ tháng 10-2013, đến nay, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, TP Móng Cái với tổng diện tích quy hoạch 16.000m2 được đánh giá là một trong những công trình văn hóa có quy mô lớn trên biên giới đất liền của Việt Nam, không chỉ có ý nghĩa về chính trị, văn hóa, kinh tế của TP Móng Cái nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung mà còn như một cột mốc văn hóa, thể hiện lòng tự hào của mỗi người dân Việt Nam, là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách. Đặc biệt, năm 2020, công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ đã vinh dự được trao Giải thưởng “Sản phẩm du lịch bền vững thành thị và nông thôn ASEAN”.

Công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ là mô hình đầu tư công-quản trị tư đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh, do Công ty TNHH Trí Lực quản lý, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị từ tháng 5-2014. Toàn bộ công trình được kết nối với thiên nhiên bằng những lối đi có thảm thực vật, cây cảnh xanh tốt. Khu vực khuôn viên, quảng trường của công trình, các vị trí dành để thi đấu những trò chơi dân gian có những vườn hoa khoe sắc và được tạo hình ấn tượng. Bao quanh công trình là nhiều lớp hàng dương xanh vừa có tác dụng chắn gió, chắn cát, vừa làm mát mắt người xem... Bên cạnh đó, với hệ thống điện chiếu sáng hiện đại, được bố trí sáng tạo, Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ như đẹp hơn, lung linh hơn, hoành tráng hơn về đêm. Hiện nay, khi du khách đến tham quan cụm thông tin còn được phục vụ nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí hiện đại như xem phim 5D, thuê xe đạp đôi, thả chim bồ câu; tham gia các trò chơi dân gian và thưởng thức ẩm thực...

Thiết chế tốt, phong trào mạnh ở Quảng Ninh

Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ, TP Móng Cái là mô hình điểm xã hội hóa quản lý, hoạt động thiết chế văn hóa của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: LÊ DƯƠNG

Nói đến những thiết chế văn hóa biểu tượng của Quảng Ninh, không thể không nhắc tới cụm các công trình văn hóa hiện đại gồm Bảo tàng-Thư viện-Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm-Quảng trường 30-10, là những thiết chế văn hóa cấp tỉnh có tầm vóc, quy mô lớn nhất của các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam. Với kiến trúc độc đáo, không gian đẹp, nhiều hiện vật trưng bày có giá trị, Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm-Bảo tàng-Thư viện tỉnh Quảng Ninh đã trở thành những công trình có ý nghĩa trong sự phát triển kinh tế của tỉnh, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ sản phẩm văn hóa chất lượng cao, đồng thời trở thành sản phẩm du lịch mới ở Hạ Long.

Đột phá trong hoạt động xã hội hóa thiết chế

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thu hút mạnh mẽ nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư và tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn, với hơn 500 công trình, tổng kinh phí đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam có 165 công trình văn hóa, thể thao như: Sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, sân tennis, bể bơi, nhà luyện tập bóng bàn, cầu lông, nhà sinh hoạt công nhân, nhà văn hóa, phòng truyền thống của gần 40 công ty với kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng với cơ sở vật chất hiện đại, được đầu tư nâng cấp thường xuyên, có đội ngũ cán bộ công tác chuyên trách hướng dẫn các hoạt động vui chơi, giải trí tại chỗ... đã hình thành một hệ thống thiết chế văn hóa khá hoàn chỉnh trong các đơn vị, doanh nghiệp. Qua đó đã thu hút đông đảo người dân, trong đó phần lớn là trẻ em tham gia trong các dịp hè, góp phần làm phong phú thêm hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội thảo Văn hóa 2024 diễn ra tại Quảng Ninh trung tuần tháng 5 vừa qua, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, để thu hút được nguồn lực xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng, vận hành hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao, tỉnh Quảng Ninh đã có những bứt phá về quan điểm và cách làm. Đầu tiên là cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt thời gian, thủ tục, hồ sơ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư; chủ động kêu gọi đầu tư, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn. Cùng với cách làm trên, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khuyến khích các tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời vận dụng nguồn vốn hoạt động theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nhằm động viên sức người, sức của của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội để xây dựng và phát triển văn hóa; huy động nguồn tài trợ của các tổ chức và cá nhân bằng các chính sách, ghi công danh dự cho những cá nhân và tổ chức xã hội trong việc xã hội hóa.

“Công tác xã hội hóa trong xây dựng và phát huy hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở tỉnh Quảng Ninh đã tạo bước đột phá mới cho sự nghiệp phát triển văn hóa của tỉnh, làm thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của văn hóa trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân; từng bước tạo ra sự cân bằng về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng nông thôn và thành thị; góp phần tích cực vào việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn hóa mới theo hướng lành mạnh, tiến bộ, văn minh”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh cho hay.