Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 209 ca mắc sởi tại 29 quận, huyện; trong khi cùng kỳ năm 2023 không có ca bệnh. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi, trong đó 58 trường hợp dưới 9 tháng (chiếm 27,8%); 33 trường hợp từ 9 - 11 tháng tuổi (chiếm 15,8%), 32 trường hợp từ 12 - 24 tháng tuổi (chiếm 15,3%), 31 trường hợp từ 25 - 60 tháng tuổi (chiếm 14,8%), 55 trường hợp trên 60 tháng tuổi (chiếm 26,3%).
Hà Nội tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ. Ảnh: DUY TUÂN |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội nhận định, số ca mắc sởi đang có xu hướng gia tăng nhanh, ghi nhận rải rác trên địa bàn, chủ yếu ở người chưa tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm đầy đủ. Dự báo, trong thời gian tới tiếp tục có thêm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt ở nhóm trẻ dưới 1 tuổi và trên 5 tuổi.
Trong tuần tới, CDC Hà Nội tiếp tục thực hiện giám sát công tác điều tra, xử lý ca bệnh ổ dịch sởi tại Thượng Thanh, Long Biên, Xuân La, Tây Hồ, La Khê, Hà Đông; giám sát công tác triển khai tiêm chủng thường xuyên và chiến dịch tiêm chủng vaccine bạch hầu, uốn ván (Td) tại Long Biên.
Các Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng. Tăng cường hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
CDC Hà Nội đề nghị, tiếp tục rà soát tiền sử tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi của trẻ từ 1-5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố chưa tiêm chủng đủ mũi để tổ chức tiêm bổ sung. Phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức tiêm chủng vaccine Td cho trẻ 7 tuổi sinh sống trên địa bàn chưa tiêm đủ 5 mũi vaccine có chứa thành phần uốn ván, bạch hầu trước đó theo chỉ đạo của Bộ Y tế.