Ở Việt Nam, trong 10 năm qua, người dân đã uống nhiều đồ uống có đường hơn. Trung bình, người dân Việt Nam tiêu thụ một lít đồ uống có đường mỗi tuần. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Ở các thành phố, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn 1 người bị thừa cân hoặc béo phì.
Bác sĩ Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ở Việt Nam, tiêu thụ đường tăng lên gấp 7 lần trong 15 năm qua. Năm 2018, mức tiêu thụ đường trung bình của người Việt Nam là 46,5 gam/ngày, cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (25 gam/ngày). Việc tiêu thụ lượng đường tự do cao hơn sẽ đe dọa chất lượng dinh dưỡng, dẫn đến tăng cân không lành mạnh và tăng nguy cơ béo phì cùng nhiều bệnh không lây nhiễm khác, đặc biệt là sâu răng - bệnh phổ biến nhất trên toàn cầu.
Bác sĩ Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ở Việt Nam, tiêu thụ đường tăng lên gấp 7 lần trong 15 năm qua. Ảnh: NHẬT MINH |
Theo bác sĩ Bùi Thị Mai Hương, chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến lượng glucose dư thừa trong não và các nghiên cứu đã liên kết lượng glucose dư thừa với trí nhớ cùng các khiếm khuyết về nhận thức. Glucose - một loại đường đơn có trong hầu hết thực phẩm giàu carbohydrate là nguồn năng lượng chính cho não, cung cấp dinh dưỡng để bộ não tăng trưởng, học tập và phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này không đồng nghĩa tiêu thụ nhiều đường sẽ tốt với não. Trên thực tế, ăn quá nhiều đường có thể ảnh hưởng xấu đến cơ quan quan trọng này. Thậm chí, tiêu thụ nhiều thực phẩm có đường dễ gây lo lắng, trầm cảm, gián đoạn giấc ngủ…
Bác sĩ Bùi Thị Mai Hương lưu ý, chế độ ăn nhiều đường có thể dẫn đến lượng glucose dư thừa trong não. Các nghiên cứu đã liên kết lượng glucose dư thừa với trí nhớ và các khiếm khuyết về nhận thức. Một lý do khác khiến đường có hại cho não là vì nó ảnh hưởng đến một số chất dẫn truyền thần kinh, có thể dẫn tới nghiện đường gây ảnh hưởng đến trí nhớ…
Từ thực trạng trên, các chuyên gia khuyến nghị, người tiêu dùng cần giảm đường trong khẩu phần dinh dưỡng mỗi ngày. Bà Nguyễn Quỳnh Vân, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng TH cũng cho rằng, sau đại dịch Covid-19, người tiêu dùng đặc biệt quan tâm hơn đến sức khỏe. Nhu cầu tiêu dùng hiện nay đang hướng đến sử dụng các sản phẩm: Sữa tươi tiệt trùng ít đường, sữa chua không đường, sữa hạt không bổ sung đường tinh luyện mà thay bằng vị ngọt tự nhiên từ quả chà là…
Ở cả người lớn và trẻ em, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên giảm lượng đường tự do hấp thụ xuống dưới 10% tổng lượng năng lượng. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo nên giảm thêm lượng đường tự do hấp thụ xuống dưới 5% tổng lượng năng lượng hấp thụ. Cùng với đó, người dân nên làm quen với việc giảm lượng đường thêm vào đồ uống và thực phẩm bao gồm ngũ cốc, cà phê, trà, hoặc lựa chọn thực phẩm không đường, giảm đường để giảm dần lượng đường cho đến khi thích nghi.