Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh giàu bản sắc và nhân văn

Nguyễn Ánh Hiền
Diễn ra trong bầu không khí cởi mở, hiếu khách của TP Đà Lạt mộng mơ, Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 23 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức từ ngày 21 đến 25-11 đã kết thúc trong niềm vui, sự thăng hoa của các nghệ sĩ, nhà làm phim và người yêu điện ảnh nước nhà. Những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu được “chọn mặt” trao giải Bông sen Vàng lần này được đánh giá xứng đáng với sự kỳ vọng về một nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn.

Mùa liên hoan phim rực rỡ

LHP Việt Nam lần thứ 23 khép lại với chiến thắng của “Tro tàn rực rỡ” (thắng 5 giải: Phim truyện điện ảnh xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc-Bùi Thạc Chuyên, Nam diễn viên phụ xuất sắc-Lê Công Hoàng, Quay phim xuất sắc-Nguyễn K'Linh và Âm nhạc xuất sắc-Tôn Thất An); “Em và Trịnh” (thắng 4 giải: Bông sen Bạc cho phim truyện điện ảnh, Nữ diễn viên phụ xuất sắc-Bùi Lan Hương, Âm thanh xuất sắc-Vick Võ Hoàng và Giải thưởng Cao nguyên hùng vĩ của UBND tỉnh Lâm Đồng dành cho phim bối cảnh được quay tại Lâm Đồng); “Những đứa trẻ trong sương” (thắng 2 giải: Phim tài liệu xuất sắc, Đạo diễn xuất sắc-Hà Lệ Diễm)...

tr5-27-11-23-1701137658.jpg
Đoàn làm phim “Tro tàn rực rỡ” nhận giải Bông sen Vàng cho phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23. Ảnh: MAI VINH

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), 16 bộ phim truyện điện ảnh-thể loại phim dự thi luôn được khán giả háo hức chào đón-tham gia LHP năm nay có nội dung và hình thức thể hiện đa dạng, phong phú từ lịch sử, dã sử đến các đề tài hiện đại về tâm lý xã hội, gia đình... Nhiều phim có nội dung tư tưởng tốt, nghệ thuật thể hiện lôi cuốn, hướng tới giá trị nhân văn thông qua hệ thống nhân vật; khai thác cái đẹp, sự nhân ái và đặc biệt là đi sâu vào vẻ đẹp trong tâm hồn Việt Nam, con người Việt Nam. Cùng với bối cảnh, âm nhạc và âm thanh, tạo nên những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ở thể loại phim tài liệu, với số lượng phim lớn (82 phim), có chất lượng khá đồng đều và hé mở phong cách làm phim mới tiếp cận với ngôn ngữ điện ảnh tài liệu thế giới đã cho thấy triển vọng mới về hội nhập quốc tế đối với lĩnh vực phim tài liệu, xuất hiện xu hướng sáng tác mới trong phim tài liệu.

“LHP Việt Nam lần thứ 23 thể hiện tinh thần vượt khó sau dịch Covid-19 của các nhà làm phim, nhà sản xuất điện ảnh cũng như quyết tâm của ngành điện ảnh Việt Nam trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và thực hiện “Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, ông Vi Kiến Thành nhấn mạnh.

Với số lượng gần 200 phim đến từ nhiều cơ sở làm phim của Nhà nước và tư nhân sản xuất, thuộc các thể loại: Phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình, LHP Việt Nam lần thứ 23 được đánh giá là kỳ liên hoan có nhiều phim nhất từ trước tới nay. Qua đó tiếp tục khẳng định, LHP Việt Nam là một sự kiện nghệ thuật quốc gia có dấu ấn chuyên nghiệp cao, thu hút được đông đảo các nhà hoạt động điện ảnh, các nghệ sĩ, với nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng nghệ thuật tốt, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh

Sau mỗi mùa trao giải điện ảnh, vẫn sẽ là dư luận lên tiếng về những “sự cố” và tác phẩm đoạt giải thực sự có xứng đáng hay chưa... Theo lời của Nghệ sĩ Nhân dân, đạo diễn Đào Bá Sơn, Trưởng ban giám khảo phim truyện điện ảnh (LHP Việt Nam lần thứ 23), điều đáng mừng là LHP năm nay với sự uy tín cũng như khẳng định giá trị “thương hiệu” đã thu hút được rất nhiều nhà sản xuất gửi tham gia những bộ phim chất lượng tốt. Để chấm phim, Ban tổ chức, Ban giám khảo đưa ra những tiêu chí cố định: Phim có nội dung tư tưởng và nghệ thuật tốt; phải có tính sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh, có nhiều tìm tòi trong cách kể một câu chuyện điện ảnh; phim mang tính nhân văn, hướng tới cái đẹp trong tâm hồn con người và cuối cùng là phim giàu bản sắc văn hóa Việt Nam.

Dự LHP có phim dự thi tranh giải và có những phim tham gia Chương trình toàn cảnh-công chiếu phục vụ khán giả. Mỗi phim đáp ứng những tiêu chí riêng và đã có những phần thưởng riêng phù hợp. Với phim phòng vé, phần thưởng lớn nhất là sự công nhận của đông đảo khán giả, doanh thu; với phim nghệ thuật, đó là sự đánh giá cao về hàm lượng nghệ thuật của giới chuyên môn. “Ở LHP Việt Nam, chúng tôi trao giải cho những phim có sự đột phá, có sức ảnh hưởng, tạo nên sự phát triển cho điện ảnh trong thời gian tới”, đạo diễn Đào Bá Sơn cho hay.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn đánh giá, qua LHP Việt Nam, có thể thấy các nhà làm phim đã và đang cố gắng làm mới cách thể hiện, cách kể chuyện, sáng tạo. Tuy nhiên, muốn phát triển công nghiệp điện ảnh-như chủ đề của cuộc hội thảo được cho là một trong những hoạt động nổi bật, được tổ chức tại LHP lần này-thì trước hết, đội ngũ sáng tạo, các nhà làm phim cần phải được quan tâm. "Yếu tố con người luôn đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định trong một công việc, một dự án, kế hoạch”, đạo diễn Phi Tiến Sơn cho hay.

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vừa giành giải Bông sen Vàng cho phim truyện điện ảnh “Tro tàn rực rỡ” và giải Đạo diễn xuất sắc nhất LHP Việt Nam lần thứ 23 chia sẻ: “Nền điện ảnh mạnh không chỉ là nền điện ảnh có doanh thu tốt mà còn phải có sự đa dạng về tâm hồn, sự hấp dẫn về cốt truyện, cách kể chuyện sang trọng, phong phú, giàu sức sống. Ngoài việc chúng ta có một rạp chiếu đầy khán giả thì cần có những bộ phim đi vào tận cùng thân phận con người qua những ngôn ngữ điện ảnh mới. Đó cũng là một điều rất cần thiết cho những người làm nghề và cả người thưởng thức điện ảnh. LHP lần này là một sự khích lệ rất to lớn đối với các nhà sản xuất phim”.