Cụ thể, trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đạt 29 tỷ USD, giảm 4,4% so với tháng trước.
Trong tháng 11 có 7 nhóm đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm; phương tiện vận tải và phụ tùng.
Đáng chú ý, có tới 5/7 nhóm hàng chủ lực có kim ngạch sụt giảm so với tháng trước, trong đó có 3 nhóm hàng lớn nhất.
Dù sụt giảm trong tháng 11, nhưng tính chung 11 tháng đầu năm, xuất khẩu cả nước vẫn duy trì tăng trưởng đáng ghi nhận với tổng kim ngạch gần 342,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 11 đạt 28,28 tỷ USD, tăng 1,3% so với tháng trước. Hết tháng 11, kim ngạch nhập khẩu đạt 331,5 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ 2021.
Như vậy, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt xấp xỉ 674 tỷ USD, trong đó cán cân thương mại đạt thặng dư lớn với con số xuất siêu 10,7 tỷ USD.
Với quy mô kim ngạch và tốc độ tăng trưởng vừa qua, dự kiến vào giữa tháng 12, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước cán mốc 700 tỷ USD.
Để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2615/QĐ-BCT phê duyệt Danh sách “Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín” năm 2021. Trên cơ sở đề xuất của 54 cơ quan, tổ chức xét chọn (bao gồm các Bộ, ngành, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương tỉnh, thành phố), Bộ Công Thương đã xét chọn được 281 doanh nghiệp (tương đương với 289 lượt doanh nghiệp theo 27 ngành hàng).
Danh sách Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín được tổng hợp và công bố trên cơ sở xét chọn và đề xuất của các cơ quan hữu quan, được xét chọn trên cơ sở các tiêu chí do Bộ Công Thương quy định về mức kim ngạch xuất khẩu tối thiểu, về uy tín trong kinh doanh đối với bạn hàng nước ngoài, về việc chấp hành nghĩa vụ đối với Nhà nước trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế, lĩnh vực môi trường… Đây là một hoạt động hết sức cần thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường, đặc biệt là khi Việt Nam đã tham gia vào một loạt các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tranh thủ cơ hội của từng thị trường, mặt hàng để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, tập trung hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng các FTA đã ký kết, đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào thị trường truyền thống; tranh thủ nhu cầu khi các nước EU cắt giảm sản xuất đối với một số mặt hàng công nghiệp nặng, hóa chất, phân bón, thép...; nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực để ổn định trong nước... để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng này.