Tổng cục Đường bộ Việt Nam không đảm bảo tiêu chí theo quy định hiện nay nên Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng đề án tổ chức lại, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.
Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã trình Bộ Giao thông Vận tải đề án tách Tổng cục thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam. Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện nói ông ký trình đề án theo sự thống nhất của lãnh đạo Bộ, còn bản thân không đồng ý.
Trao đổi với báo chí sáng 20/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết theo yêu cầu của Thủ tướng, thời gian qua Bộ đã rà soát hoạt động của các đơn vị trực thuộc. Mô hình tổng cục thuộc các bộ sẽ được tổ chức lại nếu không đảm bảo tiêu chí. "Chỉ cần thiếu một tiêu chí cũng không được phép tồn tại, do đó Tổng cục Đường bộ Việt Nam chắc chắn sẽ không còn", ông Thể nói.
Theo Bộ trưởng Thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay sau khi nhậm chức đã làm việc với Bộ, trong đó chỉ đạo phấn đấu đến 2030 xây dựng được 5.000 km cao tốc. Quá trình triển khai thời gian qua cho thấy mô hình Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách...
Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đề án xóa Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Bộ đang xây dựng đề án, sẽ công khai xin ý kiến các bộ ngành và nhân dân để làm sáng tỏ các vấn đề trước khi báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng. "Trong quá trình xây dựng có nhiều ý kiến, nhưng quyết định cuối cùng là của các thành viên Chính phủ, của Thủ tướng chứ không phải từ Bộ Giao thông Vận tải", Bộ trưởng Thể thông tin.
Tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ sáng 20/6, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, cho biết theo Nghị định 101/2020, có ba tiêu chí để thành lập tổng cục. Các tiêu chí gồm: Có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội; chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở trung ương, trường hợp đặc biệt do Chính phủ xem xét quyết định; được phân cấp, ủy quyền của bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực.
"Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ, đó là việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, thống nhất ở trung ương, không phân cấp cho địa phương", ông Nam nói.
Về đề xuất tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành hai cục, ông Nam cho rằng sẽ không có sự chồng chéo về đối tượng quản lý. Cụ thể, trong đường bộ có cao tốc, nhưng cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trục tăng trưởng, tạo động lực phát triển mới nên cần có phương thức quản lý tập trung, thống nhất. Hơn nữa, phương thức quản lý cao tốc hiện khác đường bộ.
"Bộ Giao thông Vận tải vẫn đang trong quá trình xây dựng phương án, chưa có ý kiến chính thức gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Ban chỉ đạo", ông Nam cho hay.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh tinh thần tổ chức lại các tổng cục là nhằm giải quyết vấn đề giao thoa, chồng chéo giữa những đơn vị trong các bộ, sẽ không có linh hoạt với những tổng cục không đủ điều kiện.
Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho rằng sẽ có bất cập khi tách thành hai cục vì đều quản lý đường bộ; và cao tốc là một cấp kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường bộ, không phải cấp quản lý.
Còn theo đề án tách Tổng cục, Cục Đường cao tốc sẽ theo dõi, bảo trì, khai thác và quản lý nhà nước trên các tuyến cao tốc hiện có, gồm 209 km do Nhà nước đầu tư; 245 km theo hình thức BOT và khoảng 773 km do địa phương và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư.
Mô hình Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã hoạt động được 12 năm, quản lý chuyên ngành nhà nước về đường bộ. Dưới Tổng cục có các cục, chi cục ở khu vực. Tổng cục được thay đổi từ mô hình Chi cục quản lý đường bộ trước đây.
Đầu tháng 3, Thủ tướng ký công điện gửi các bộ, ngành, địa phương về việc sắp xếp tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, khẩn trương rà soát và đẩy mạnh sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy theo Thông báo của Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Trên cơ sở kết quả rà soát, các bộ, ngành xây dựng dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan mình (có Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy kèm theo) gửi Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thẩm định. Trường hợp nội dung còn có ý kiến khác nhau, chưa thống nhất với ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp thì bộ, ngành báo cáo, xin ý kiến Ban Chỉ đạo trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Anh Duy - Hoàng Thùy
Nguồn: Vnexpress.net