Dinh họ Vương được xây dựng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Phải mất đến 8 năm và ngốn khoảng 150 ngàn đồng bạc hoa xòe Đông Dương, công trình mới được hoàn thành với kiểu kiến trúc thời Mãn Thanh. Dưới thời Pháp thuộc, người Mông ở Hà Giang cũng không tránh khỏi sự cai trị và áp bức của thực dân. Trước sự thống khổ của người Mông, Vàng Dúng Lùng đã đứng lên lãnh đạo người Mông chống lại quân xâm lược, khiến cho thực dân Pháp không thể tiến sâu vào Đồng Văn và buộc phải ký hòa ước. Vàng Dúng Lùng tự phong thành vua của người Mông với cái tên Vương Chính Đức. Sau này, Vương Chí Sình, người con trai của Vương Chính Đức được kế nghiệp, đi theo cách mạng, trở thành Đại biểu Quốc hội khóa I - II, và được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất. Hồ Chủ tịch đã đặt cho ông cái tên Vương Chí Thành và trao tặng ông 8 chữ: "Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ" (Trung thành với đất nước, không chịu làm nô lệ) và một thanh kiếm. Hiện trong gian phòng chính vẫn trưng bày những kỷ vật đó.
Dinh thự là một công trình đặc sắc, một sự giao thoa kiến trúc thú vị, một sự hợp lưu văn hóa một cách tự nhiên, không hề khiên cưỡng. Dinh họ Vương không hề to lớn, hoành tráng như nhiều người tưởng tượng, thậm chí ở góc độ nào đó nó giản dị gần với kiến trúc dân gian. Đó cũng là một trong số rất ít các dinh thự ở Việt Nam có đầy đủ các chức năng: Nơi ở, làm việc và là pháo đài quân sự phòng thủ được phân bố và xử lý rất khoa học.
Dinh họ Vương là một điểm dừng chân đáng để du khách khám phá sau những chặng đường cheo leo hiểm trở, bởi toàn bộ cảnh trí dinh họ Vương toát lên vẻ thâm nghiêm trong khung cảnh tĩnh mịch nơi vùng cao biên giới.