Hàng nghìn chim cốc đen xuất hiện ở hồ thủy lợi

Trần Thu

Khoảng 3.000 con chim cốc đen bay về hồ thủy lợi Thái Xuân, huyện Núi Thành, kiếm ăn sau khi chính quyền thả nhiều loại cá xuống hồ.

Người dân địa phương cho biết khoảng 3 năm nay, mùa nước hồ dâng, chim cốc đen tụ tập về kiếm ăn. Khi nước cạn, chúng bay đi. Ban đầu chim xuất hiện ít, về sau nhiều lên, đến nay khoảng 3.000 con, sống theo bầy đàn.

Thường xuyên thả lưới bắt cá trên hồ Thái Xuân, ông Nguyễn Khắc Phục, 46 tuổi, trú xã Tam Thạnh, cho biết đêm xuống cốc đen trú ở hai hòn đảo trên hồ, sáng hôm sau bay đi tìm kiếm thức ăn. Chúng có thể bơi trên mặt nước rồi lặn xuống bắt cá, đến trưa vào bờ nghỉ ngơi, phơi khô bộ lông.

Nhiều con chưa no sẽ tách đàn đi ăn riêng lẻ, chập tối sẽ nhập vào đàn đi nghỉ. "Khi tôi chèo ghe đến gần, chúng không bay nhưng sẽ lặn xuống nước lẩn trốn. Loài chim này lặn dưới nước rất lâu, bắt cá rất giỏi", ông Phục nói.

Sau buổi sáng bơi ở lòng hồ ăn no nê, cốc đen vào bờ phơi nắng. Ảnh: Đắc Thành

Sau buổi sáng bơi ở lòng hồ ăn no nê, cốc đen vào bờ phơi nắng. Ảnh: Đắc Thành

Những người sống lâu năm bên hồ Thái Xuân cho biết trước đây nhiều người sử dụng xung điện đánh bắt cá nên nguồn thủy sản cạn kiệt. Ba năm qua, công an chính quy về xã và nhiều lần truy bắt, tuyên truyền nên không còn kiểu đánh bắt tận diệt. Nguồn lợi thủy sản ngày càng dồi dào, chính quyền huyện Núi Thành thả nhiều loại cá xuống hồ nên chim cốc đen về kiếm ăn, quy nạp thành đàn lớn.

Chim cốc đen còn gọi là cồng cộc, tên khoa học Pharacrocorax niger, thức ăn chính là cá nhỏ, tôm, cua. Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, trước kia cốc đen sống ở vùng đồng bằng từ bắc tới nam, hiện chỉ còn ở Nam Bộ. Chim thường làm tổ ở các sân chim của đồng bằng sông Cửu Long. Mùa sinh sản từ tháng 5 đến 9, đẻ 4-6 quả một lứa, ấp trong 24-26 ngày. Con trưởng thành nặng 0,5 kg.

Chim cốc bay trên lòng hồ thủy lợi Thái Xuân. Ảnh: Đắc Thành

Chim cốc bay trên lòng hồ thủy lợi Thái Xuân. Ảnh: Đắc Thành

Tiến sĩ Ngô Xuân Tường, Trưởng phòng Động vật học có xương sống, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết cốc đen là một trong những loài chim cấu thành chính các sân chim ở đồng bằng sông Cửu Long. Chúng có giá trị cho nghiên cứu sinh học, sinh thái của các loài chim làm tổ tập đoàn cũng như phục vụ tham quan du lịch sinh thái.

Việc đàn chim sinh sống ở hồ thủy lợi Thái Xuân, theo tiến sĩ Tường, rất đáng quan tâm. "Có thể do biến đổi khí hậu, môi trường sống và nguồn thức ăn bị suy giảm dẫn tới cốc đen phải di cư đến nơi khác phù hợp hơn", ông nói và cho biết hiện chưa có ai nghiên cứu sâu về biến đổi khí hậu tác động đến loài chim này.

Hồ Thái Xuân xây dựng năm 2000 có diện tích lưu vực 18 km2, dung tích hơn 11 triệu m3 nước, trải dài ba xã Tam Thạnh, Tam Hiệp, Tam Anh Nam, huyện Núi Thành. Quanh hồ là đồi cây keo tràm, lòng hồ có nhiều loài cá, tôm... sinh sống. Hồ cung cấp nước tưới gần 500 ha đất nông nghiệp và cấp nước cho công nghiệp, dân sinh với lưu lượng 0,17 m3/s.

Đắc Thành

Nguồn: Vnexpress.net