Hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở bị xử lý như thế nào?

Tran Huy
Bạn đọc Đoàn Văn Hải ở xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở bị xử lý như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 10 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cụ thể như sau:

1. Cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức vi phạm quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của luật này, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

4. Việc xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thực hiện theo quy định của Chính phủ.

* Bạn đọc Vũ Văn Đức ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, hỏi: Chính sách dạy nghề đối với người khuyết tật được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 32 Văn bản hợp nhất Luật Người khuyết tật số 35/VBHN-VPQH ngày 16-12-2019. Cụ thể như sau:

1. Nhà nước bảo đảm để người khuyết tật được tư vấn học nghề miễn phí, lựa chọn và học nghề theo khả năng, năng lực bình đẳng như những người khác.

2. Cơ sở dạy nghề có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật học hết chương trình đào tạo và đủ điều kiện theo quy định của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề.

3. Cơ sở dạy nghề tổ chức dạy nghề cho người khuyết tật phải bảo đảm điều kiện dạy nghề cho người khuyết tật và được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

4. Người khuyết tật học nghề, giáo viên dạy nghề cho người khuyết tật được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.

QĐND