Toàn cảnh buổi họp báo - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trong bối cảnh quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ có thể tác động tiêu cực đến thương mại toàn cầu, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục đà phục hồi tích cực, nhiều điểm sáng nổi bật.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 8,4%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng gần 10%. Khách quốc tế đạt gần 7,7 triệu lượt, tăng 23,8% so với cùng kỳ - cao nhất từ trước đến nay. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt hơn 276 tỷ USD; xuất siêu khoảng 3,8 tỷ USD. Lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 4 tháng tăng 3,2%.
Đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc. Tổng vốn FDI đăng ký đạt trên 13,8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt hơn 6,7 tỷ USD - cao nhất cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025.
Đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành trên 3.000 km đường bộ cao tốc và 1.000 km đường ven biển trong năm nay. Hơn 2.200 dự án, công trình lớn được tháo gỡ vướng mắc về thủ tục, pháp lý và nguồn vốn.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, cả nước đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa hơn 201.000 căn nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân của người lao động trong quý I/2025 tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 xếp Việt Nam đứng thứ 46/143 quốc gia, tăng 8 bậc.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại, hạn chế: nguy cơ tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng từ chính sách thuế mới của Mỹ; nhiều doanh nghiệp còn khó khăn; thủ tục hành chính còn rườm rà; phân cấp, phân quyền chưa thực chất; một số vấn đề xã hội diễn biến phức tạp như tội phạm công nghệ cao, buôn lậu, gian lận thương mại…