Hướng tới miễn viện phí toàn dân: Chính sách nhân văn, chạm đến trái tim người dân

Nguyễn Ánh Hiền
(tapchivietduc.vn) - Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng lộ trình tiến tới miễn viện phí cho toàn dân theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, coi đây là một định hướng chiến lược lâu dài mang tính cách mạng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025 diễn ra chiều 6/5, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến định hướng tiến tới miễn viện phí cho người dân, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: “Đây là chủ trương lớn, nhân văn và thể hiện rõ tính ưu việt của chế độ ta”.

Họp báo Chính phủ tháng 4: Nóng các vấn đề thuộc lĩnh vực y tế, an ninh trật tự- Ảnh 1.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cung cấp thông tin về việc thực hiện chủ trương miễn viện phí cho toàn dân

Theo Thứ trưởng, chính sách này không chỉ có ý nghĩa trong việc giảm gánh nặng tài chính mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, người sống tại vùng sâu vùng xa. Việc miễn viện phí sẽ giúp phát hiện sớm bệnh tật, nâng cao hiệu quả điều trị, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Lộ trình rõ ràng, bám sát thực tiễn

Theo định hướng từ năm 2026 đến 2030, ngành y tế đặt mục tiêu 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng, nâng cao sức khỏe, tiêm chủng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe bà mẹ - trẻ em, y tế học đường và khám bệnh định kỳ. Toàn dân sẽ được khám sức khỏe ít nhất một lần mỗi năm, với chi phí ước tính khoảng 25.000 tỷ đồng/năm cho 100 triệu dân.

Từ năm 2030 đến 2035, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), hoàn thiện các chính sách và quy định pháp luật để tiến tới miễn phí chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách bền vững và ổn định.

Cùng với đó, người dân sẽ được quản lý sức khỏe trọn đời thông qua sổ sức khỏe điện tử, được sống trong môi trường đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng hợp lý; nhóm người cao tuổi, khuyết tật và yếu thế sẽ được ưu tiên chăm sóc và hỗ trợ.

Hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân

Hiện nay, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHYT, dự kiến có hiệu lực từ 1/7/2025. Dự thảo mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT, bao gồm chi trả cho khám sàng lọc, chẩn đoán sớm bệnh tật, điều trị giai đoạn đầu và nâng mức hưởng lên 100% cho một số nhóm đối tượng.

Bộ cũng đang xây dựng các thông tư hướng dẫn chi tiết danh mục, tỷ lệ và điều kiện thanh toán đối với dịch vụ y tế, thuốc và thiết bị. Một số nhóm như người nghèo, cận nghèo, người có mức sống trung bình sẽ được mở rộng quyền lợi và tăng mức chi trả từ quỹ BHYT.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề xuất thiết kế các quỹ thành phần trong BHYT, bao gồm: quỹ khám chữa bệnh, quỹ dự phòng và quỹ hỗ trợ các trường hợp bệnh hiểm nghèo. Việc liên kết BHYT với các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe giai đoạn 2026–2035 cũng sẽ được triển khai để tối ưu hóa nguồn lực, tránh lãng phí.

Kiểm soát chặt, tránh trục lợi

Bộ Y tế cũng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt việc lạm dụng, trục lợi từ các chính sách khám chữa bệnh miễn phí nhằm tránh tình trạng quá tải và lãng phí tại các cơ sở y tế.

Hai định hướng lớn mà Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra là: khám sức khỏe định kỳ cho người dân mỗi năm một lần và miễn viện phí cho toàn dân - không chỉ là chính sách y tế mà còn là thông điệp sâu sắc về một nền chính sách “vì con người, vì một Việt Nam phát triển bền vững”.

“Khám sức khỏe định kỳ toàn dân không phải là điều xa vời nếu chúng ta có quyết tâm chính trị đủ mạnh, sự đồng thuận xã hội rộng rãi và một lộ trình rõ ràng, bài bản,” Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Bảo Châu - Diệu Thư