Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc được quy định thế nào?

Tran Huy
* Bạn đọc Trần Văn Long ở xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 162 Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

1. Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.

2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.

3. Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở.

* Bạn đọc Vũ Thu Hà ở phường An Lạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương, hỏi: Việc quản lý quỹ đền ơn đáp nghĩa được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 174 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Cụ thể như sau:

1. Quỹ đền ơn đáp nghĩa được thành lập ở 4 cấp, gồm: Quỹ cấp Trung ương, quỹ cấp tỉnh, quỹ cấp huyện và quỹ cấp xã. Quỹ đền ơn đáp nghĩa từng cấp có ban quản lý quỹ và bộ phận giúp việc cho ban quản lý quỹ theo từng cấp hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm.

2. Quỹ đền ơn đáp nghĩa Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện được sử dụng con dấu riêng để giao dịch; quỹ đền ơn đáp nghĩa cấp xã sử dụng con dấu của UBND cấp xã để giao dịch.

3. Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp được mở tài khoản tại hệ thống kho bạc nhà nước.

4. Quỹ đền ơn đáp nghĩa các cấp thực hiện hạch toán độc lập, áp dụng chế độ kế toán đối với quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và quyết toán thu, chi theo quy định của pháp luật có liên quan; không cho vay để sinh lời, kết dư quỹ đền ơn đáp nghĩa được luân chuyển sang năm tiếp theo.

QĐND