Nhà khoa học Việt Nam nhận Giải thưởng “Phụng sự tình nguyện”

Nguyễn Ánh Hiền
6 giờ ngày 20-8 (giờ Việt Nam), tại Hoa Kỳ, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ Việt Nam đã nhận Giải thưởng “Phụng sự tình nguyện”.

Giải thưởng “Phụng sự tình nguyện” do Hội đồng Thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ, Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (IAU) và Liên minh doanh nhân quốc tế tổ chức trao thưởng nhằm công nhận cá nhân có nhiều thành tựu về khoa học và công nghệ, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời cá nhân đó tạo ra những tác động tích cực và truyền cảm hứng đến cộng đồng xung quanh.

Trước đó, vào tháng 4-2024, tại Diễn đàn khoa học và kinh tế toàn cầu 2024 do Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu của Ấn Độ tổ chức tại Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất), Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo cũng đã nhận Giải thưởng “Nhà sáng chế xuất sắc quốc tế - Nhà khoa học tài năng toàn cầu” và nhận danh hiệu Viện sĩ danh dự do Đại học Quốc tế Hoa Kỳ (IAU) trao tặng.

Nhà khoa học Việt Nam nhận Giải thưởng “Phụng sự tình nguyện”

Trao Giải thưởng “Phụng sự tình nguyện” tặng Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo. Ảnh: HOÀI THU

Các thành tích mà ông Hoàng Đức Thảo đã đạt được: Danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011. Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và 7 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích khoa học và công nghệ.

Các giải thưởng khoa học và công nghệ trong nước: Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ năm 2016; 8 giải của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (Vifotec), 2 giải Sáng chế quốc gia, 1 giải Nhất Nhân tài Đất Việt về sáng tạo khoa học và công nghệ.

Các giải thưởng khoa học và công nghệ quốc tế mà ông Hoàng Đức Thảo đã nhận: Giải thưởng xuất sắc toàn cầu của Tổ chức chất lượng châu Á - Thái Bình Dương; Giải đặc biệt của Tổ chức sáng tạo quốc tế tại Hàn Quốc; 5 giải của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và nhiều giải vàng, bạc quốc tế khác về sáng tạo khoa học và công nghệ.

Hội đồng Liên minh Kỷ lục thế giới xác nhận ông là: “Nhà khoa học nắm giữ số lượng Bằng sáng chế sở hữu trí tuệ nhiều nhất thế giới trong việc nghiên cứu, ứng dụng thực hành và thực chứng kết quả đồng bộ, với quá trình nghiên cứu, chế tạo, sáng tạo giải pháp, điều phối thi công và vận hành các sản phẩm phục vụ dân sinh, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu” vào năm 2020. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKing) xác nhận kỷ lục: “Tác giả có nhiều bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích nhất Việt Nam” xác lập năm 2020...