Nhiều dấu ấn nổi bật trong 70 năm thành lập Viện Văn học

Nguyễn Ánh Hiền
Trong hành trình 70 năm xây dựng và phát triển, Viện Văn học vừa tham gia trực tiếp vào đời sống văn học nước nhà, vừa đẩy mạnh nghiên cứu, mở rộng phạm vi, quy mô và nâng cao chất lượng, liên kết hợp tác đào tạo với các trung tâm trong và ngoài nước. Viện là hạt nhân góp phần hình thành một số đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay.
screenshot-2023-12-21-134906-1703141358.png
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội phát biểu tại sự kiện.

Sáng 21/12, Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) đã diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự tham dự của các nhà nghiên cứu, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội cho biết, ngay từ khi mới thành lập, Viện Văn học đã chú ý công tác đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các thế hệ cán bộ nghiên cứu. Năm 1961, Viện đã mở một lớp học trao đổi về những vấn đề thuộc lý luận và văn học sử do Đặng Thai Mai đứng lớp, song song là lớp học chữ Hán được Cao Xuân Huy phụ trách. Bên cạnh đó, các cán bộ trong Viện còn được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia các chương trình đào tạo trong và ngoài nước.

Viện Văn học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 038-TTg ngày 6/2/1960 của Thủ tướng Chính phủ. Lịch sử hình thành của Viện được gắn với Ban Nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học thành lập theo Quyết định số 34-QN/TW ngày 2/12/1953 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Ban Nghiên cứu này có nhiều tổ chuyên môn, trong đó, có tổ văn.

Theo Quyết định số 038-TTg ngày 6/2/1960 của Thủ tướng Chính phủ, Viện Văn học có nhiệm vụ: “Căn cứ vào đường lối văn học của Đảng và Chính phủ, tiến hành nghiên cứu văn học, ngôn ngữ trong nước và ngoài nước nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền bắc và sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, góp phần vào cuộc đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội trên thế giới”.

screenshot-2023-12-21-134950-1703141404.png
Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Văn học.

Suốt hành trình 70 năm hình thành và phát triển, Viện Văn học luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần hình thành một số đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày nay. Viện có nhiều công trình khoa học về lí luận văn học, văn học Việt Nam trung đại, cận, hiện đại và đương đại, văn học dân gian và văn học các dân tộc thiểu số, văn học nước ngoài để lại nhiều dấu ấn nổi bật. Ngoài nghiên cứu khoa học, Viện Văn học cũng góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tư vấn chính sách và tham gia đổi mới văn học.

Thời gian tới, Viện tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu giải quyết những vấn đề cơ bản của văn học sử, lí luận văn học và phê bình văn học, hướng đến mục tiêu từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ dân tộc; tăng cường nghiên cứu, giới thiệu các công trình lý thuyết hiện đại, phát huy thế mạnh nghiên cứu văn bản học, dịch và giới thiệu những văn bản, tác giả còn khuyết thiếu; từng bước phục hiện các di sản văn học, bức tranh lịch sử văn học dân tộc đa dạng và phong phú.

“Việc nghiên cứu liên ngành, đa ngành để bắt kịp những chuyển động nghiên cứu khoa học của khu vực và thế giới cũng được nâng cao, mở rộng; trong đó, tập trung hướng nghiên cứu từ văn hóa học, xã hội học và thi pháp học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Minh thông tin thêm.

Ban đầu, Viện Văn học chỉ có 4 tổ chuyên môn với số lượng nhân sự ít ỏi. Đến nay, cơ quan có 9 phòng chuyên môn, nghiệp vụ với 46 cán bộ, 1 hội đồng khoa học có chức năng tư vấn cho Viện trưởng, 1 cơ quan ngôn luận là Tạp chí Nghiên cứu văn học. Đây là tờ tạp chí uy tín, thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn học trong nước và quốc tế.