Nhiều khó khăn trong phát triển ngành công nghiệp ô-tô

Vũ Xuân Kiên
"Công nghiệp ô-tô là ngành tích hợp của rất nhiều ngành khoa học cơ bản, như ngành vật liệu, động lực học, điện, điện tử, môi trường sinh thái... Bởi vậy, để có được một ngành công nghiệp ô-tô phát triển, ngoài việc cần có quy mô thị trường đủ lớn, thì chúng ta cần có một nền khoa học kỹ thuật và nền công nghiệp vật liệu phát triển, sản xuất được thép hợp kim”.

Đó là chia sẻ của ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) tại hội thảo chuyên ngành công nghiệp phụ tùng và dịch vụ ô-tô Automechanika 2023 được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Công nghiệp vật liệu chưa đáp ứng được sự phát triển của ngành ô-tô

Ngành sản xuất thép của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong vài thập kỷ trở lại đây, với nhiều nhà máy luyện, cán thép quy mô lớn của cả doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, mới chỉ có 1 số ít đơn vị có thể sản xuất thép dùng cho sản xuất công nghiệp, và số chủng loại thép có thể sản xuất cũng còn rất hạn chế.

Trong khi đó, ô-tô là lĩnh vực đòi hỏi công nghệ kỹ thuật cao, là sự tích hợp của rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau, từ sản xuất vật liệu cơ bản, đến cơ khí, điện, điện tử, tự động hóa…

Việt Nam đã chủ động được một số ô-tô linh kiện, được sản xuất từ hơn 200 mác thép khác nhau. Hiện Việt Nam đã có thể sản xuất 1 số mác thép tấm dùng cho công nghệ thân vỏ, còn với các loại linh kiện quan trọng cần đến độ bền cao như linh kiện truyền động… thì trong nước chưa thể chủ động được.

Đây không chỉ là câu chuyện của riêng ngành ô-tô, mà là thực trạng của rất nhiều ngành công nghiệp tại Việt Nam như dệt may, nhựa… đang phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu từ nước ngoài.

oto-7940-1677414579.jpg
Để có được một ngành công nghiệp ô-tô phát triển, ngoài việc cần có quy mô thị trường đủ lớn, thì chúng ta cần có một nền khoa học kỹ thuật và nền công nghiệp vật liệu phát triển.

Tạo cơ chế để phát triển công nghiệp ô-tô trong tương lai

Chủ tịch VASI chỉ ra rằng hiện nay nhiều cơ sở chế tạo phụ tùng cũng gặp một số rào cản khi bán sản phẩm. Đến hết năm 2023, dự kiến chỉ có 38 đơn vị sở hữu chứng chỉ IATF 16949 (bộ tiêu chuẩn về hệ thống quản lý chất lượng dành riêng cho công nghiệp ô-tô được Hiệp hội Ô-tô Quốc tế công nhận).

Để có thể lấy được chứng nhận này, các doanh nghiệp phải đáp ứng được rất nhiều tiêu chí khắt khe. Và chứng chỉ IATF 16949 cũng mới chỉ là một trong những loại “giấy thông hành” để các doanh nghiệp gia nhập vào chuỗi cung ứng ngành ô-tô.

Cái khó đang đeo bám ngành công nghiệp hỗ trợ lâu nay đó là khi bán sản phẩm cho các tập đoàn, hãng xe lớn thì họ yêu cầu phía doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chí như: đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, có năng lực về tài chính, có năng lực về quản trị doanh nghiệp, có năng lực về thực hiện các hợp đồng quốc tế, về thời gian cung cấp,…

Đây đúng là những yêu cầu hợp lý từ phía khách hàng, nhưng trong bối cảnh ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay, thì để giải quyết được bài toán khó này, rất cần sự phối hợp, hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, tổ chức đào tạo, các tổ chức tín dụng, đồng thời cần cả sự đồng hành của chính các hãng sản xuất xe để giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực nội tại, kết nối tốt với nhu cầu của khách hàng.

Tham khảo kinh nghiệm của hai quốc gia Hàn Quốc và Nhật Bản, ngay từ giữa thế kỷ XX đã ban hành những đạo luật liên quan tới công nghiệp hỗ trợ. Bước đệm này giúp nền công nghiệp ô-tô tại Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển vượt bậc, trở thành những ông lớn trên thế giới. Công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, sự thành công của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển lớn mạnh của ngành công nghiệp hỗ trợ.

Chính vì vậy, Chủ tịch VASI đề xuất Chính phủ cần ban hành một bộ luật riêng dành cho công nghiệp hỗ trợ, trong đó có quy định dành cho ngành công nghiệp hỗ trợ ô-tô để có định hướng, chỉ tiêu cụ thể và cân đối nguồn lực.

Đối với ngành vật liệu, bên cạnh các quy định hiện hành như Luật Đầu tư, kiến nghị Chính phủ cần xem xét và ban hành chiến lược phát triển ngành công nghiệp vật liệu theo hướng rõ ràng, dễ thực hiện, khả thi và đủ sức hấp dẫn để thúc đẩy ngành vật liệu trong nước phát triển.