Trải nghiệm du lịch Thủ đô
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP Hồ Chí Minh) những ngày vừa qua đã xuất hiện một Hà Nội thu nhỏ. Nào là hình ảnh cây cầu Long Biên cổ kính, mái Chùa Một Cột phủ rêu phong hay những góc phố cổ nức tiếng như Hàng Mã, Đồng Xuân… Chưa kể, hương vị của phở, bún riêu, bánh cốm, chả cá… cứ như níu kéo bước chân người.
Một không gian đậm chất Hà Nội được tái hiện. Ảnh: PHẠM LINH |
Chị Lê Thu Giang (ở đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, TP Hồ Chí Minh) dẫn con gái đến phố đi bộ để tham quan không gian của chương trình. Hai mẹ con đi xem từng gian hàng của các làng nghề, ngắm nghía những sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo như nón lá làng Chuông, quạt làng Vác, lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng... Cầm trên tay tấm vải lụa Hà Đông dự định mua để may áo dài cho con vào năm học mới, chị Giang bồi hồi: “Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sau này đi làm mới vào Nam sinh sống, nên khi đến đây cảm giác thật thân quen, gần gũi. Đây cũng là dịp để tôi chia sẻ với con gái về quê ngoại của con”.
Mua xong, hai mẹ con lại sà vào bên bát phở bò, mua thêm bánh cốm, ô mai về làm quà cho người nhà, mải mê chụp ảnh, thưởng thức những tinh hoa, đặc sản của Hà Nội mãi không muốn về.
Những sản phẩm của làng nghề mây tre đan Phú Vinh được giới thiệu tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: PHẠM LINH |
Cũng như mẹ con chị Giang, hơn 50.000 lượt người dân TP Hồ Chí Minh, du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, trải nghiệm tại hoạt động “Quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - TP Hồ Chí Minh”. Trong đó, gần 1.000 người đã đăng ký các tour du lịch đến Hà Nội để được thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, làng cổ Đường Lâm, thưởng thức Tinh hoa Bắc Bộ...
Đặc biệt, không gian “Tinh hoa ẩm thực Hà Nội” với hơn 30 món ăn nổi tiếng, đặc sản của Hà Nội đã tiêu thụ hàng nghìn suất mỗi ngày. Nhiều gian hàng sau ngày đầu tiên đã bán hết hàng, phải tiếp tục vận chuyển phục vụ các ngày tiếp theo...
Tìm về cội nguồn
Cùng với phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã trở thành điểm đến của những người yêu Hà Nội trong mấy ngày qua. Tại đây, trong khuôn khổ chương trình "Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh" đã diễn ra Triển lãm “Văn Miếu-Quốc Tử Giám - Tinh hoa đạo học Việt Nam” và hoạt động trưng bày “Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Di sản cho mai sau”.
Trải nghiệm làm Nho sinh. Ảnh: PHẠM LINH |
Hai hoạt động này đã thu hút hàng chục nghìn học sinh, giáo viên, phụ huynh và công chúng TP Hồ Chí Minh đến bảo tàng để tìm hiểu. Trong đó, triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám” được tổ chức từ ngày 24-8 đến ngày 31-10-2024 đã giới thiệu lịch sử hình thành và phát triển của Văn Miếu-Quốc Tử Giám và hành trình học tập của một Nho sinh.
Song song với triển lãm tại bảo tàng thì tại Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (TP Hồ Chí Minh), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo của hai thành phố cũng tổ chức triển lãm “Văn Miếu-Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài”.
Một tiết mục biểu diễn tại triển lãm “Văn Miếu-Quốc Tử Giám - Ươm mầm khát vọng hiền tài”. Ảnh: PHẠM LINH |
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, Triển lãm giới thiệu đến các thầy cô giáo, các em học sinh và nhân dân TP Hồ Chí Minh nét đẹp sâu lắng về một Thăng Long Hà Nội, về một Văn Miếu-Quốc Tử Giám - biểu tượng cho tinh thần và trí tuệ Việt với các hoạt động giáo dục di sản và những trải nghiệm thú vị.
Nội dung các triển lãm, trưng bày mang tính điển hình và được thể hiện bằng hình thức phong phú, có giá trị thẩm mỹ cao. Đặc biệt, triển lãm đem tới những trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn hàng trăm lượt công chúng tham quan mỗi ngày khi kết hợp giữa hình thức trưng bày truyền thống đan xen hài hòa với các giải pháp công nghệ hiện đại như trình chiếu 3D mappping, công nghệ thực tế ảo, trí tuệ nhân tạo (AI) và trải nghiệm cho chữ thư pháp…
Gắn kết hai đầu đất nước
Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” không chỉ quảng bá, giới thiệu các nét đặc trưng về văn hóa, di sản văn hóa tiêu biểu độc đáo của Thủ đô Hà Nội mà còn là hoạt động ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo TP Hà Nội tặng quà tri ân những người có công với đất nước. Ảnh: PHẠM LINH |
Trong những ngày diễn ra chương trình, lãnh đạo TP Hà Nội đã tổ chức gặp mặt, đến thăm hỏi và tặng quà tri ân đối với các gia đình chính sách, người có công tiêu biểu hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, trong đó có nhiều lão thành cách mạng, các bác đã từng là chiến sĩ tham gia trực tiếp vào cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô Hà Nội. Như bác Vũ Quang Chiêm (sinh năm 1931, quê Hải Dương), hiện đang sống tại quận Bình Thạnh, từng tham gia trận đánh Đường 5, tham gia tiếp quản Thủ đô Hà Nội tháng 10-1954...
Bên cạnh đó, hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể thao giữa nhân dân hai thành phố đầu tàu đất nước cũng đã diễn ra sôi nổi, gắn bó. Riêng hoạt động giao hữu thể thao đã có sự tham dự của khoảng 2.000 người, kín các khán đài Nhà thi đấu Nguyễn Du, Trung tâm Thể dục thể thao quận 1…
Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: PHẠM LINH |
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh: "Chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” là dịp để hai thành phố ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, gặp gỡ, chia sẻ, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, giới thiệu những nét văn hoá đặc sắc, tiềm năng và con người của mỗi địa phương đến với công chúng và du khách. Qua đó, càng làm sâu đậm thêm tình cảm gắn bó, bền chặt giữa hai địa phương, khẳng định vai trò vững chắc của hai đầu tàu kinh tế, gắn kết tạo thành sức mạnh tổng hợp để cùng phát triển, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của đất nước”.
Đồng quan điểm, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải nhận định, chuỗi hoạt động “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh” không chỉ có ý nghĩa quan trọng, mà còn chuyên chở tình cảm sâu sắc của hai thành phố nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954/10-10-2024), hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2025).