Làm thủ tục nộp thuế. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)
Theo Tổng cục Thuế, tổng thu ngân sách nhà nước quý 1 năm 2023 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 426.922 tỷ đồng, bằng 31,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 104,6% so với cùng kỳ.
Trong số đó, thu nội địa ước đạt 411.418 tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Tổng cục Thuế, có 12/20 khoản thu, sắc thuế đạt khá so với dự toán (đạt trên 28%); 8/20 khoản thu đạt dưới mức 28%, 11/20 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu so với cùng kỳ; 9/20 khoản thu, sắc thuế thu thấp hơn cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, có 28/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán khá (trên 28%); 14/63 địa phương đảm bảo tiến độ thu (25-28%); 21/63 địa phương có tiến độ thu đạt thấp (dưới 25%); trong đó có một số địa phương có tiến độ thu rất chậm (dưới 20% dự toán) cần tập trung chỉ đạo thu là Tuyên Quang, Phú Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Bình Phước, Lai Châu, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.
Cũng theo Tổng cục Thuế, quý 1 năm 2023, ngành thuế triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực đạt các mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng sụt giảm, lạm phát của các nước tuy hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, hậu quả của đại dịch COVID-19 chưa được khắc phục hết, vẫn còn có tác động xấu đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
Ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước; triển khai quyết liệt, hiệu quả quản lý thuế, chống chuyển giá, chống thất thu ngân sách nhà nước...
Tổng cục Thuế cũng cho hay tổng số lượng hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý đạt hơn 3,3 tỷ hóa đơn; trong đó có 860 triệu hóa đơn điện tử có mã và 2,5 tỷ hóa đơn điện tử không mã.
Tính đến ngày 24/3, đã có trên 10.000 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công, vượt kế hoạch triển khai giai đoạn 1, với số lượng hóa đơn có mã khởi tạo từ máy tính tiền là 1.796.510 hóa đơn.
Đối với việc quản lý thuế đối với thương mại điện tử, Tổng cục Thuế cho biết đã có 49 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Tổng số thu lũy kế từ khi vận hành cổng (21/3/2022) đến nay đạt trên 3.700 tỷ đồng (số thu trong năm 2023 là 1.852 tỷ đồng).
Trong khi đó, với các sàn thương mại điện tử trong nước, tính đến cuối quý 1 đã có 285 tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin qua cổng với 53.585 cá nhân và 16.003 tổ chức đăng ký bán hàng trên sàn, với 15.919.953 lượt giao dịch và tổng giá trị giao dịch khoảng 5.500 tỷ đồng./.
Thùy Dương (TTXVN/Vietnam+)