Tuyến tàu "treo ngược" duy nhất thế giới mà không chạm đất, từng chở cả voi

Trần Thu

Với tuổi đời lên tới hơn 120 năm, đây cũng là tuyến tàu "lộn ngược" lâu đời nhất thế giới còn tồn tại ở Đức.

Khi thời điểm du lịch mùa hè bắt đầu vào nóng lên, nhiều ánh mắt của du khách lại đổ dồn về nước Đức, nơi có vô số trải nghiệm văn hóa độc đáo, từ những quán bia, cung điện, xe hơi nổi tiếng, và cả Schwebeban - tuyến đường sắt "lộn ngược" duy nhất trên thế giới.

Từ ý tưởng dường như "bất khả thi"

Không chỉ là niềm tự hào của người dân ở thành phố Wuppertal, Đức, tuyến tàu "treo ngược" này nổi danh toàn cầu bởi rất ít nơi nào sở hữu hệ thống giao thông công cộng vận chuyển khoảng 24 triệu hành khách mỗi năm mà không hề chạm đất.

Tại một quốc gia vốn tự hào về nền khoa học kỹ thuật, Schwebeban vốn là phương tiện đi lại phổ biến dành cho người dân và khách du lịch. Hệ thống giao thông công cộng độc đáo này được thiết kế đường ray nằm trên cao.

Tàu chạy bám theo đường ray phía trên, chạy uốn lượn theo dòng sông Wupper nằm bên dưới, xuyên suốt hàng chục km quanh thành phố mà không chạm đất.  

Được biết, đây là sáng chế tưởng như "bất khả thi" của nhà phát minh Eugen Langen. Những năm cuối thế kỷ 19, nền công nghiệp ở thành phố Wuppertal phát triển mạnh. Giới chức địa phương tin rằng họ đủ khả năng xây dựng một hệ thống giao thông mang tính đột phá là đường sắt treo. Trong khi đó, những thành phố khác tại Đức mới chỉ dừng lại ở việc xây dựng tàu điện ngầm.

Vì không muốn đào hầm hoặc phá hỏng cảnh quan thành phố, nhà phát minh Langen quyết định dựng đường tàu một ray bên dòng sông chảy qua thành phố. Công trình được thiết kế cho thung lũng hẹp để có thể xây cả tuyến đường trên cao dọc theo con sông mà không cần không gian bổ sung.

Khi mới xuất hiện, nó được coi là ý tưởng mang tính đột phá vào thời điểm đó. Đường tàu của Langen có thể men qua con sông và những thành phố gần đó, sử dụng thiết kế hình chữ V lộn ngược bằng thép, nhờ đó không cần đào xuống vùng đất ngập nước hoặc phá đổ các khu vực trong thành phố.

Hệ thống tàu ra đời vào năm 1901, đến nay hơn 120 năm. Đường tàu được xây ở độ cao 12m với khung thép, chạy men theo con sông chảy qua thành phố.

"Vị khách" đặc biệt của toa tàu từng gây xôn xao nước Đức

Một trong những "vị khách" đặc biệt nhất từng đi trên tuyến tàu là "cô voi" Ấn Độ có tên Tuffi. Đây vốn là một con voi của rạp xiếc được di chuyển bằng tàu hỏa. Sự kiện xảy ra vào tháng 7/1950. Tuy nhiên, trong lần đi tàu này, Tuffi bị kích động nên đã phá vỡ một ô cửa sổ rồi rơi từ độ cao 12m xuống dòng sông bên dưới. May mắn, "vị khách" chỉ bị thương nhẹ, nhưng sự kiện này đã gây xôn xao nước Đức suốt thời gian dài.

Tuyến tàu treo ngược duy nhất thế giới mà không chạm đất, từng chở cả voi - 3
Chú voi rơi từ trên tàu xuống sông, nhưng may mắn chỉ bị thương nhẹ (Ảnh: Faz)

Và một câu chuyện khác xảy ra trong quá khứ nhưng vẫn mãi là "ký ức đen tối" không thể quên của tuyến đường sắt này. Vào ngày 12/4/1999, một chuyến tàu trong ngày rời ga như thường lệ nhưng không may đâm phải mảnh vật liệu bằng thép bị bỏ quên ở đường ray trên cao. Sự cố khiến 5 hành khách gặp nạn và 47 người khác bị thương.

Tuyến tàu "treo ngược" đã trở thành một phần quan trọng của thành phố, chở khoảng 80.000 hành khách mỗi ngày. Phương tiện này được người dân địa phương đặc biệt ưa thích. Khi đoàn tàu lướt qua các mái nhà, băng qua sông Wupper, nhiều người mô tả họ có cảm giác như đang đi qua một công viên giải trí huyền ảo nào đó.

Tuyến tàu treo ngược duy nhất thế giới mà không chạm đất, từng chở cả voi - 4
Công trình là một phần không thể thiếu của thành phố Wuppertal (Ảnh: News).

Với loại phương tiện này, du khách không gặp phải tình trạng tắc nghẽn giao thông. Với việc 31 đoàn tàu mới khai trương có nghĩa hành khách không phải đợi tàu lâu quá 2 phút. Hành khách đi cả tuyến từ đầu tới cuối, bao gồm cả thời gian dừng ở 20 nhà ga sẽ mất khoảng 30 phút. Nếu mua vé không giới hạn trong vòng 24 giờ có mức giá khoảng 7,3 Euro (hơn 180 nghìn đồng). Giá vé đơn từng nhà ga có giá 3 Euro (khoảng 75 nghìn đồng).

Đến nay, sức hút của công trình không thể phủ nhận, dù cũ hay mới nhưng nó vẫn là một phần không thể thiếu của thành phố bận rộn này.

Huy Hoàng

Nguồn: Dân trí