Xóa nghèo từ cây dược liệu

Tran Huy
Trước đây, người dân trồng rừng ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) chủ yếu trồng cây keo, tuy nhiên, loại cây này mất 5-7 năm mới cho thu hoạch khiến các gia đình phải vay vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự định hướng, hướng dẫn của các ngành chức năng, hiện nay, đa số bà con nơi đây đã chuyển sang trồng cây dược liệu. Cây dược liệu chỉ trồng trong thời gian ngắn đã cho thu hoạch, giúp các hộ dân có thu nhập đều đặn và từng bước xóa nghèo bền vững.
Nhiều hộ dân ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) chuyển sang trồng cây trà hoa vàng để phát triển kinh tế. 
Nhiều hộ dân ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) chuyển sang trồng cây trà hoa vàng để phát triển kinh tế. 

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, huyện Ba Chẽ trồng mới 517ha cây dược liệu (ba kích: 236ha, trà hoa vàng: 230ha, cây dược liệu khác 51ha). Để người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các ngành chức năng của huyện đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Khi đầu ra được bảo đảm, người dân mạnh dạn hơn, tự tìm nguồn vốn để chuyển sang trồng cây dược liệu chứ không còn trông vào những chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Từ khi phát triển cây dược liệu, ở huyện Ba Chẽ đã xuất hiện nhiều tấm gương làm giàu từ loại cây này. Điển hình như anh Nịnh Văn Trắng ở xã Đạp Thanh là người đi đầu trong việc phát triển cây trà hoa vàng với 4ha, trồng hàng chục nghìn cây. Cùng với đó, anh còn đứng ra thu mua sản phẩm trà hoa vàng của người dân trong vùng. Từ năm 2010 đến nay, gia đình anh Nịnh Văn Trắng liên tục đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Ở xã Minh Cầm cũng có nhiều hộ nông dân phát triển tốt cây dược liệu như gia đình ông Vi Văn Hy ở thôn Đồng Doong, hiện trồng 3ha quế. Ông Hy cho biết: “Từ khi chuyển đổi sang trồng quế, gia đình tôi có thu nhập ổn định hơn. Cùng một diện tích đất trồng nhưng cây quế cho lợi nhuận gấp 3-4 lần so với cây keo”.

Bài và ảnh: CÔNG THÀNH