Chú trọng thúc đẩy đại học đổi mới sáng tạo

Tran Huy
Ðổi mới sáng tạo là cơ sở quan trọng tạo nên năng lực cạnh tranh của các trường đại học, bởi vậy, Ðại học Quốc gia Hà Nội đang theo đuổi mô hình đại học đổi mới sáng tạo, thể hiện qua các chính sách trong đào tạo, nghiên cứu và triển khai, từ đó, tạo ra tri thức và phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ chất lượng cao.
Sinh viên Ðại học Quốc gia Hà Nội học tập, nghiên cứu chuyên sâu. (Ảnh TUẤN ANH)
Sinh viên Ðại học Quốc gia Hà Nội học tập, nghiên cứu chuyên sâu. (Ảnh TUẤN ANH)

Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có 9 trường đại học, 5 viện nghiên cứu và 22 đơn vị đào tạo, nghiên cứu khoa học, dịch vụ trực thuộc, đào tạo nhiều lĩnh vực quan trọng, then chốt cả về lý thuyết hàn lâm và khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng. Bên cạnh đó, đơn vị này còn có 210 phòng thí nghiệm ở các lĩnh vực: trong đó, có một phòng thí nghiệm trọng điểm cấp nhà nước, 9 phòng thí nghiệm trọng điểm/trung tâm nghiên cứu trọng điểm cấp Ðại học Quốc gia Hà Nội...

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, thời gian qua, Ðại học Quốc gia Hà Nội là một trong những đơn vị đứng đầu cả nước về số lượng các công trình khoa học được công bố hằng năm; đồng thời, Ðại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục chuyển dịch sang mô hình đại học trách nhiệm xã hội cao, phục vụ trực tiếp sự phát triển của xã hội bằng việc thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp/đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức, tập trung phát triển các nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ.

Số lượng đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của Ðại học Quốc gia Hà Nội tăng liên tục theo các năm. Theo bảng xếp hạng đại học QS, năm 2022, Ðại học Quốc gia Hà Nội đã nằm trong tốp 800 đại học hàng đầu thế giới và có thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng khác của quốc tế như THE, ARWU.

Trong số 36 nhóm nghiên cứu mạnh, năm 2023, có 30 nhóm được cấp kinh phí thường xuyên 100 triệu đồng/nhóm, cùng với nguồn ưu tiên đầu tư từ Quỹ khoa học và công nghệ và nguồn đầu tư các dự án trung dài hạn của Ðại học Quốc gia Hà Nội; 6 nhóm có thành tích công bố đỉnh cao được hỗ trợ dưới dạng nhiệm vụ khoa học và công nghệ (1 tỷ đồng/nhóm) gồm: Nhóm Công nghệ môi trường xanh và tái chế chất thải; Vật liệu và kết cấu tiên tiến; Kỹ thuật hạt nhân trong nghiên cứu môi trường và bảo vệ sức khỏe; Các giải pháp và nền tảng thông minh trong trí tuệ nhân tạo 4.0; Quan trắc và đánh giá rủi ro các độc chất hữu cơ trong môi trường; Công nghệ xử lý và phục hồi môi trường đất.

Ðại học Quốc gia Hà Nội cũng hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho các nhóm thực hiện hoàn thiện sản phẩm; tìm kiếm quỹ, doanh nghiệp đầu tư; hỗ trợ, tư vấn về quy trình, thủ tục thành lập và vận hành doanh nghiệp, xác lập tài sản trí tuệ, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, kết nối nhà đầu tư,… Ðáng chú ý, Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp đã phát huy vai trò trong việc ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ với hai doanh nghiệp được thành lập trong năm 2023 và dự kiến thành lập 5 doanh nghiệp vào quý I/2024.

Ðại học Quốc gia Hà Nội được đánh giá có trách nhiệm trong thực hiện sứ mệnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước, phát triển bền vững các vùng, địa phương. Ngày 8/2/2022, Ðại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Quyết định số 286/QÐ-ÐHQGHN về Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, quan điểm và mục tiêu xuyên suốt trong giai đoạn 2021-2030 là coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò nòng cốt, góp phần quan trọng trong thực hiện Chiến lược phát triển Ðại học Quốc gia Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm 300 đại học hàng đầu thế giới, tham gia giải quyết một số thách thức và cấp bách của quốc gia.

Tháng 10/2023, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII đã họp và tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW về đội ngũ trí thức và thông qua Nghị quyết mới về việc xây dựng, phát huy vai trò của trí thức xứng tầm là nguyên khí quốc gia; trong đó, kết luận ưu tiên đầu tư phát triển Ðại học Quốc gia Hà Nội, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và hai viện hàn lâm. Ðây là những quan điểm chỉ đạo quan trọng để Ðại học Quốc gia Hà Nội vững bước phát triển trong giai đoạn mới.

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Ðại học Quốc gia Hà Nội đang đứng trước những thách thức về mô hình phát triển trường đại học tự chủ trong đại học; mô hình đại học quốc gia trong bối cảnh mới; đứng trước những thách thức về sự phát triển vượt bậc về quy mô (giữa số lượng và chất lượng), về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm; về công ăn việc làm của người học sau khi tốt nghiệp; cạnh tranh về thu nhập của cán bộ giảng viên; chất lượng đào tạo và nghiên cứu, chất lượng đội ngũ; sự hội nhập với trình độ và các chuẩn mực của quốc tế...

TUẤN MINH