Cơ quan điều tra khuyến nghị người dân khi bị đòi nợ kiểu 'khủng bố' cần lưu lại chứng cứ và báo ngay cơ quan công an để tiến hành xác minh, xử lý.
Như Thanh Niên đã phản ánh, đòi nợ kiểu “khủng bố” lộng hành khắp nơi, trở thành vấn nạn rất nhức nhối, bức xúc trong xã hội.
Trong số hàng loạt nạn nhân bị đòi nợ vô cớ đến mức “kêu trời không thấu” có bà T.T.H (55 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM). Bà H. kể, mới đây bà nhận được cuộc gọi của người tự xưng bên cho vay, có cho L.X.Đ (32 tuổi, là cháu họ của bà H.) vay một khoản 30 triệu đồng mà không trả. Kẻ đòi nợ dùng nhiều lời lẽ, thủ đoạn đe dọa ép bà H. và gia đình phải trả nợ cho Đ., nếu không sẽ siết nợ. Không những thế, những ngày này trên mạng xã hội còn có tài khoản ảo tung hình ảnh của bà H. lên mạng, vu khống bà H. câu kết với Đ. lừa vay không trả, khiến cuộc sống của bà và gia đình bị đảo lộn, sống trong áp lực căng thẳng và lo lắng.
Bị khủng bố tạt sơn nhầm do dãy nhà cùng số, một gia đình phải dán bảng trước cửa ở H.Bình Chánh (TP.HCM)
BÍCH CHIÊU |
Cũng rất bức xúc vì vô cớ bị khủng bố tinh thần, anh P.N.B (35 tuổi, ngụ Quảng Trị) cho hay, cách đây 2 ngày có một người tự xưng công ty thu hồi nợ ở Q.8 (TP.HCM) đòi món nợ hàng chục triệu đồng, yêu cầu anh B. chuyển trả vào tài khoản công ty. Đáng nói là, anh B. chưa từng vay của công ty này, gọi điện đến công ty hỏi thì công ty này họ không cung cấp thông tin gì cho anh B.
Người của công ty này lộng hành đến mức còn gửi tin nhắn, gọi điện đến đồng nghiệp, gia đình của anh B. đòi nợ trong khi họ không hay biết chuyện gì. Chưa hết, hình ảnh của anh B., gia đình và đồng nghiệp anh B. còn bị gán ghép, tung lên mạng vu khống lừa đảo, nợ không trả... Những ngày qua, anh B. rất lo sợ vì uy tín bị ảnh hưởng, có nguy cơ mất việc bởi “món nợ từ trên trời rơi xuống do những kẻ đòi nợ vu vạ”.
Không để tội phạm lộng hành
Theo Công an TP.HCM, từ tháng 1.12.2020 đến nay, Công an TP.HCM đã xử lý 347 trường hợp ném chất bẩn, dùng sim rác gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần liên quan đến những kẻ hoạt động tín dụng đen. Lực lượng hình sự đã phát hiện và xử lý 120 vụ việc có liên quan đến tín dụng đen, trong đó Cơ quan CSĐT đã khởi tố 45 vụ án với 65 bị can liên quan hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê; khởi tố 10 vụ với 27 bị can về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt hành chính 3 vụ, 4 đối tượng. Hiện công an cũng đang điều tra xác minh 49 vụ việc.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) - Công an TP.HCM cho biết tín dụng đen, đòi nợ thuê thời gian qua nở rộ, đáng nói các đối tượng không chỉ có hành vi đòi nợ bằng hình thức uy hiếp tinh thần qua điện thoại, tin nhắn, thậm chí vu khống, bôi nhọ nhân phẩm của người vay; mà còn khủng bố, tạt chất bẩn, tạt sơn, uy hiếp, đe dọa người thân, người quen dù không liên quan và không biết gì về khoản nợ.
Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khi vay tiền bằng hình thức tín chấp, người vay phải đồng ý cho phép bên cho vay được quyền sử dụng, truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua ứng dụng vay (App). Vì vậy, khi người vay không trả tiền đúng hạn hay mất liên lạc, thì bên cho vay nợ sẽ sử dụng dữ liệu danh bạ này để nhắn tin, gọi điện thoại để đòi vạ những người quen, thân cho dù họ hoàn toàn không liên quan đến các khoản vay nợ đó. Việc này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống của người không liên quan khoản vay, không có nghĩa vụ trả nợ.
Lãnh đạo PC02 Công an TP.HCM khẳng định, tất cả các hành vi đòi nợ, đe dọa, khủng bố người thân, người quen của người vay là hành vi vi phạm pháp luật. Nạn nhân cần lưu giữ chứng cứ, báo cho lực lượng chức năng để được xử lý kịp thời, tránh để hậu quả xảy ra. Thời gian tới, lực lượng cảnh sát hình sự sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, không để tội phạm lộng hành, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động tín dụng đen.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, cho biết thêm, trong trường hợp người dân bị công ty tài chính đòi nợ, khủng bố nhưng cá nhân, gia đình mình không liên quan đến khoản nợ, thì không có nghĩa vụ phải trả tiền, mà phải nhanh chóng khiếu nại đến công ty tài chính để họ thu hồi nợ đúng người; đồng thời gửi đơn đến cơ quan công an nếu công ty tài chính tiếp tục có hành vi sử dụng điện thoại, mạng xã hội để quấy rối, xúc phạm nhân phẩm, đe dọa tinh thần.
Thanh tra phối hợp liên tỉnh
Theo Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM, từ năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 11 trường hợp bị quấy rối, đe dọa gây áp lực trả nợ cho người khác qua điện thoại. Thanh tra Sở đã xử phạt 3 trường hợp với số tiền tổng cộng 27,5 triệu đồng; thu hồi, ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông đối với 23 thuê bao di động. Còn đối với hành vi đòi nợ thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo…, Thanh tra Sở tiếp nhận 25 phản ánh, đồng thời đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội gỡ bài, ngăn chặn tiếp tục phát tán.
Còn ông Nguyễn Đức Thọ, Chánh thanh tra Sở TT-TT TP.HCM, cho biết Thanh tra Sở chấp nhận các bản ghi âm, chụp hình từ máy của đương sự bị quấy rối như là chứng cứ điện tử, người dân không cần phải lập vi bằng. Quá trình xác minh, nếu chủ thuê bao, tài khoản mạng xã hội quấy rối ở địa phương khác thì Thanh tra Sở sẽ phối hợp xử lý.
Ông Thọ nhìn nhận việc xác định danh tính người khủng bố tinh thần, quấy rối trên không gian mạng, viễn thông là việc khó khăn và mất nhiều thời gian, nhưng cơ quan thanh tra sẽ phối hợp với nhiều đơn vị liên quan để xử lý. “Đối với những vụ việc nghiêm trọng về xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì có thể xử lý hình sự luôn, chứ không chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính. Muốn xử lý được thì người dân cần phối hợp cung cấp bằng chứng, trước mắt là giúp bản thân và gia đình tránh phiền phức không đáng có”, ông Thọ đề nghị.
Về quy trình xử lý kẻ quấy rối dùng sim rác, ông Thọ cho hay Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM sẽ phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông và cá nhân đăng ký thuê bao để làm rõ, sau đó thu hồi thuê bao, ngăn chặn hành vi quấy rối. Mức phạt cụ thể đối với hành vi quấy rối được áp dụng theo điều 102, Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, từ 10 - 20 triệu đồng. (còn tiếp)
Ghi âm, chụp màn hình làm bằng chứng
Sở TT-TT TP.HCM cho biết, thời gian qua trên địa bàn xảy ra nhiều trường hợp dù không vay nợ của tổ chức, cá nhân cho vay nợ, cũng như không bảo lãnh cho người khác vay nợ, nhưng lại bị nhắn tin, gọi điện thoại đòi nợ, đe dọa, gây áp lực liên tục để trả thay “khoản nợ từ trên trời rơi xuống”. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường hợp bị các đối tượng cho vay nợ sử dụng công nghệ, cắt ghép hình ảnh với những nội dung thô tục, nhạy cảm, xuyên tạc… để tung lên các trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của người không liên quan gì đến vay nợ.
Thông qua Báo Thanh Niên, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, đề nghị người dân khi gặp phải tình cảnh bị khủng bố đòi nợ vô cớ thì thu thập chứng cứ như ghi âm cuộc gọi, chụp màn hình, quay video nội dung quấy rối gửi cơ quan công an hoặc Sở TT-TT, bằng chứng càng rõ ràng thì càng dễ xử lý.
“Muốn dẹp được vấn nạn nhức nhối này để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, thì mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải chung tay. Người dân cần vượt qua nỗi lo sợ, mạnh dạn tố cáo để tự bảo vệ mình. Nhà mạng cũng phải nghiêm túc trong việc đăng ký thuê bao, nếu để sim rác ảnh hưởng đến cuộc sống người dân thì cũng phải bị xử lý”, ông Cường nói và cho biết thời gian qua đã xử lý nhiều vụ việc khủng bố tinh thần cá nhân, tổ chức không liên quan để đòi nợ.
Ngọc Lê - Sỹ Đông
Nguồn: Báo Thanh niên