Hải quan đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo thuận lợi thương mại

Tran Huy
Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học trong cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể của ngành Hải quan.

Với mục tiêu lấy cải cách, hiện đại hóa làm cơ sở, hiện đại hóa mô hình quản lý hải quan làm trọng tâm, trong năm 2023, Tổng cục Hải quan tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030; đồng thời, ban hành Đề án quản trị Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 kèm theo Quyết định số 3028/QĐ-TCHQ ngày 8/12/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

chương trình doanh nghiệp ưu tiên góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan
Triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số

Đáng chú ý, trong những năm gần đây, hệ thống VNACCS/VCIS gặp nhiều sự cố ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của hệ thống. Đồng thời, với yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ về việc triển khai xây dựng hệ thống mới thay thế hệ thống VNACCS/VCIS. Việc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu và hoàn thiện bài toán yêu cầu nghiệp vụ thực hiện Hải quan số, Hải quan thông minh.

Ngày 15/9/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư dự án “Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan” tại Quyết định số 1957/QĐ-BTC. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực triển khai theo đúng quy định của pháp luật đầu tư công, Nghị định số 73/2019/NĐ-CP và quy định của Bộ Tài chính về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

Măt khác, với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trong năm 2023, Tổng cục Hải quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Theo đó, đã có 250 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối với sự tham gia của 67.000 doanh nghiệp. Kết nối chính thức để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Phối hợp với Ban thư ký ASEAN và các nước thành viên để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung. Chuẩn bị các yêu cầu liên quan để kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Về triển khai Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục rà soát và hoàn thiện lại Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của ngành Hải quan; Ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023; Phát động chương trình tháng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023 để hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia và Ngày Chuyển đổi số Bộ Tài chính; kiện toàn tổ chức và bộ máy hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số.

Về triển khai Đề án cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình cửa khẩu thông minh. Đồng thời, hiện đang báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ về chủ trương tăng cường hợp tác với Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) về Sáng kiến An ninh Container của Việt Nam nhằm rút ngắn thời gian thông quan các container xuất khẩu của Việt Nam tại các cảng biển Hoa Kỳ, góp phần tạo thuận lợi thương mại.

Ngoài ra, trong công tác hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan, ngành Hải quan đã tăng cường trang bị các trang thiết bị phục vụ kiểm tra, giám sát hàng hoá, đặc biệt đối trong việc phòng chống buôn bán ma tuý; xây dựng hệ thống barie điện tử, hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ và thiết kế, quy hoạch hệ thống barie điện tử tại các cửa khẩu, cảng biển...

Sử dụng seal định vị điện tử để niêm phong, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan tại 35 Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố với tổng số lượt seal định vị điện tử sử dụng trong năm 2023: 124.482 lượt.

Trong năm 2024, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan Việt Nam đến năm 2030, Kế hoạch chuyển đổi số của Ngành… hướng tới mục tiêu tổng quát xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình hải quan thông minh.

Do đó, Tổng cục Hải quan đề ra phương hướng, giải pháp: Ứng dụng các tiến bộ khoa học trong cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin tổng thể của ngành Hải quan, xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin hỗ trợ các yêu cầu quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo hướng quản lý điều hành tập trung tại cơ quan Hải quan.

Quỳnh Nga