Hiu hắt các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

Tran Huy
Thời gian qua, nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đường bộ ở các tỉnh, thành phố gặp khó khăn trong hoạt động bởi số phương tiện đến kiểm định sụt giảm mạnh.
Người dân làm thủ tục đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 18-04D tỉnh Nam Định.
Người dân làm thủ tục đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 18-04D tỉnh Nam Định.

Không ít đơn vị phải cho cán bộ, nhân viên nghỉ việc tạm thời hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, một số đơn vị đang đứng trước nguy cơ phá sản.

ĐƯỢC xây dựng mới khang trang bên Đại lộ Thiên Trường và nằm rất gần các showroom của các hãng xe danh tiếng như Hyundai, Nissan, Mitsubishi, nhưng Trung tâm đăng kiểm 18-04D thuộc tỉnh Nam Định vắng khách. Có nhiều thời điểm, các đăng kiểm viên chỉ biết ngồi… tán gẫu, uống trà do không có xe đến kiểm định.

Ông Phùng Mạnh Huấn, Giám đốc Trung tâm 18-04D cho biết, trung tâm mới thành lập từ tháng 4/2022 với một dây chuyền đăng kiểm, 2 đăng kiểm viên và 6 người khác phụ trách dán tem, kế toán nghiệp vụ, chăm sóc khách hàng. Thời gian đầu hoạt động, trung tâm phục vụ khoảng hơn 20 xe/ngày nhưng gần đây số xe đến “khám” giảm mạnh, chỉ còn khoảng 10 xe/ngày, cá biệt có hôm chỉ 2-3 xe.

Tuy phương tiện làm dịch vụ rất ít, nhưng lượng xe mới được miễn đăng kiểm lần đầu đến dán tem lại tăng đột biến, mỗi ngày khoảng gần 30 xe. Dù không được thu phí, trung tâm vẫn phải duy trì nhân viên, tốn chi phí mực in, tem dán mà không có nguồn để bù vào. Không chỉ thế, việc lập hồ sơ với xe mới lại phức tạp, vất vả hơn xe cũ khá nhiều do tất cả thông tin phải làm từ đầu.

Theo ông Huấn, hiện nay trung tâm đang vô cùng khó khăn do chi phí đầu tư lớn (gần 10 tỷ đồng) mà mỗi tháng phải bù lỗ từ hơn 100 triệu đồng đến gần 200 triệu đồng để duy trì trả lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng, điện nước…

Tại tỉnh Phú Thọ hiện có 5 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động, trong đó có 4 trung tâm của tư nhân. Thời gian gần đây, các trung tâm này đang gặp nhiều khó khăn do lượng xe đến đăng kiểm giảm rõ rệt. Nguyên nhân do quy định của Nhà nước miễn kiểm tra, đăng kiểm xe mới và giãn chu kỳ kiểm định đối với xe cũ. Ngoài ra, việc áp dụng giá kiểm định xe từ năm 2013 thấp, không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Ông Vũ Mạnh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 19-01V tỉnh Phú Thọ cho biết, hiện số xe đến đăng kiểm tại trung tâm giảm khoảng 50%. Từ đầu năm 2023 về trước, bình quân mỗi tháng, trung tâm đăng kiểm từ 1.700 đến 1.800 xe, nhưng hiện nay còn khoảng 1.000 xe/tháng. Mặc dù chưa phải cắt giảm nhân công nhưng nguồn thu của trung tâm giảm rõ rệt, kéo theo thu nhập của cán bộ, công nhân cũng giảm theo.

Hiu hắt các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ảnh 1

Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 17-01D tỉnh Thái Bình vắng phương tiện đến kiểm định.

Đại diện Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 19-08D, xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: Là đơn vị tư nhân bắt đầu đi vào hoạt động năm 2022 với tổng mức đầu tư khoảng 18 tỷ đồng. Thời gian đầu, mỗi tháng trung tâm kiểm định khoảng 2.000 phương tiện, nhưng đến nay, số xe đến kiểm định giảm còn khoảng 1.000 xe.

Kéo theo đó, doanh thu của đơn vị cũng giảm, không bảo đảm chi trả lãi ngân hàng, lương cán bộ, nhân viên khiến trung tâm đang gặp nhiều khó khăn. Nếu tình trạng này kéo dài chắc chắn trung tâm sẽ phải tính toán cắt giảm nhân công, thậm chí phải đóng cửa.

Tại tỉnh Thái Bình và Bắc Giang cũng diễn ra tình trạng các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoạt động cầm chừng bởi không cân đối được thu-chi. Hai trung tâm đăng kiểm duy nhất ở Thái Bình là 17-01D và 17-02D đã cho 14 cán bộ, nhân viên tạm nghỉ việc luân phiên 15 ngày (đơn vị vẫn đóng bảo hiểm), còn lại chấm dứt hợp đồng lao động 3 cán bộ, nhân viên do không kham nổi tiền trả lương hằng tháng.

Ông Phạm Văn Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần đăng kiểm xe cơ giới Thái Bình cho biết: Một loạt các thay đổi về quy định đăng kiểm được Bộ Giao thông vận tải áp dụng thời gian gần đây đã tác động trực tiếp đến hoạt động tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung.

Cụ thể là Thông tư số 08/2023 của Bộ Giao thông vận tải: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16 năm 2021 của Bộ trưởng Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ cuối tháng 6 vừa qua đang tác động rất lớn đến hoạt động của các đơn vị làm công tác đăng kiểm.

Đối với các xe từ 13 năm đến 20 năm sử dụng, trước đây 6 tháng một lần thực hiện đăng kiểm, giờ được giãn chu kỳ thành 12 tháng. Bên cạnh đó, các xe mua mới được miễn đăng kiểm, khi đến trung tâm chỉ cần làm thủ tục, cấp tem. Theo tính toán, để đầu tư hệ thống thiết bị bảo đảm đúng quy chuẩn đăng kiểm, chủ đầu tư tại đây phải bỏ ra gần 10 tỷ đồng.

Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày, Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 17-01D luôn có từ 70-80 phương tiện đến kiểm định theo quy định và hạch toán có lãi. Nhưng từ đầu tháng 6 đến nay, khi Thông tư 08 được áp dụng thì số phương tiện đến kiểm định giảm gần một nửa. Nhiều thời điểm trong ngày, 2 dây chuyền kiểm định của công ty trong tình trạng dừng hoạt động vì không có xe vào thực hiện kiểm định. Khu sân bãi rộng lớn trong trung tâm cũng vắng bóng phương tiện, không còn cảnh xếp hàng dài như trước.

Ông Trần Xuân Huy, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 98-02D tỉnh Bắc Giang cho biết: Thông tư 08 của Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ hơn cho người dân nhưng đang tác động trực tiếp vào nguồn thu của đơn vị. Theo ông Huy hiện nay mọi chi phí để đầu tư cơ sở vật chất và chi phí vận hành trung tâm đăng kiểm đều tăng cao, nhất là chi phí thuê mặt bằng, trả lương cho người lao động, chi phí kiểm định hệ thống máy móc, thiết bị phục vụ đăng kiểm…

Vậy nhưng đã hơn 10 năm nay, mức giá dịch vụ đăng kiểm theo quy định của Nhà nước vẫn giữ nguyên, điều này đã khiến các trung tâm hoạt động gặp nhiều khó khăn và đây cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến tiêu cực ở các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sản lượng kiểm định so với cùng kỳ của các trung tâm đăng kiểm hiện nay chỉ đạt 50%-60% công suất. Việc thực hiện chính sách miễn kiểm định lần đầu và giãn chu kỳ kiểm định nhiều loại xe là lý do lượng xe đi kiểm định ít, doanh thu các trung tâm đăng kiểm sụt giảm. Trong khi đó, các chi phí khác đều tăng khiến các trung tâm đăng kiểm gặp khó khăn.

Từ đầu năm 2023, khi Cục Đăng kiểm Việt Nam xây dựng phương án tăng giá dịch vụ kiểm định, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đều ủng hộ nhưng đề nghị mức tăng vừa phải trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Phương án tăng 26%-28% được các bộ nhận định là hợp lý để các trung tâm đăng kiểm bù đắp chi phí tối thiểu.

Phía Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm, khi xây dựng phương án giá, Bộ Giao thông vận tải định hướng đề xuất giá dịch vụ kiểm định xe cơ giới là giá tối đa theo Luật Giá để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhưng do Luật Giá hiện tại vẫn quy định giá dịch vụ kiểm định xe là giá cụ thể cho nên Bộ Giao thông vận tải muốn ban hành mức giá tối đa phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sửa Nghị định, việc này cần nhiều thời gian.

BÀI VÀ ẢNH: TÚ LONG KHÁNH GIANG