Kết hợp nhiều giải pháp trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên

Tran Huy
Chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành cho học sinh, sinh viên có vai trò quan trọng trong bối cảnh xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của sự phát triển công nghệ số. Thời gian qua, mặc dù công tác này đã được các nhà trường quan tâm chú trọng nhưng chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Tọa đàm “Đẩy mạnh các giải pháp tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên” tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh Khánh HUY)
Tọa đàm “Đẩy mạnh các giải pháp tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho sinh viên” tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh Khánh HUY)

Theo các chuyên gia giáo dục, mặc dù các nhà trường đã tập trung chú trọng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên nhưng nội dung giáo dục hiện nay chưa kết hợp tốt giữa giáo dục đạo đức, văn hóa với giáo dục khoa học, công nghệ và kỹ thuật, chưa phù hợp với nhu cầu và xu thế thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Một thời gian dài, việc giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên chỉ mang tính hình thức, kém hiệu quả. Nhiều nội dung cơ bản, cấp bách vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là những vấn đề về đạo đức lối sống. Phương pháp giáo dục thanh niên thời gian qua vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống, chưa gắn với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp, chưa phát huy được tính năng động, sáng tạo và năng lực thực hành của sinh viên.

Nguyên Phó Vụ trưởng Tổ chức-Cán bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Khiêm cho biết: Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và giáo viên trong trường phổ thông chưa thật sự được coi trọng. Số lượng vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo có chiều hướng gia tăng, hệ lụy tác động tiêu cực của vụ việc ngày càng nghiêm trọng. Về vấn đề bạo lực học đường còn có thêm đối tượng tham gia là cha mẹ học sinh hoặc người thân của học sinh.

Vì vậy, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của các địa phương, mỗi nhà trường cần phải xây dựng chương trình giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và giáo viên trong từng năm học. Mặt khác, nhà giáo phải có trách nhiệm tham gia tích cực trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, đồng thời bản thân giáo viên cũng phải tự rèn luyện, hoàn thiện đạo đức lối sống. Đối với phụ huynh, nhà trường cần tuyên truyền, phổ biến cho cha mẹ học sinh biết được nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh để có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.

Để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên được triển khai hiệu quả, đồng bộ, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Đặng Huỳnh Mai đề xuất: Các nhà trường cần triển khai dạy học các môn như Đạo đức, Giáo dục công dân theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, thông qua đó giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh sát thực tế hơn. Bên cạnh đó, giáo dục kỹ năng sống không chỉ thực hiện qua các môn học chính khóa mà còn phải kết hợp nhiều nội dung khác như phối hợp hài hòa giữa nhà trường và xã hội bằng các hoạt động trải nghiệm đa dạng, phong phú.

Đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc ngăn chặn các hành vi lệch chuẩn trong môi trường giáo dục, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Thái Văn Tài cho biết: Giáo viên chủ nhiệm là người gần gũi, hiểu học sinh nhất. Vai trò và vị trí của giáo viên là trung tâm để dẫn dắt, lan tỏa đến học sinh những hành vi chuẩn mực. Vì vậy, mỗi thầy giáo, cô giáo cần chú ý hơn đến học sinh, tham mưu cho ban giám hiệu trong những tình huống cụ thể.

Cùng quan điểm nêu trên, GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Trong các nhà trường hiện nay, nội quy và quy chế đã được các trường học ban hành rất cụ thể và chuẩn chỉnh. Tuy nhiên giữa quy chuẩn và cụ thể hóa, hành động thực tiễn có khoảng cách. Vì vậy, rất cần sự đồng hành của ba trụ cột: Nhà trường, gia đình và xã hội. Ngoài ra, nhà trường và phụ huynh cũng cần quan tâm nhiều hơn đến giáo dục đạo đức cho học sinh thay vì tập trung quá nhiều vào kiến thức.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, hằng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có văn bản yêu cầu các trường học tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục lối sống đạo đức cho học sinh, sinh viên nhưng về lâu dài, biện pháp căn cơ chính là giáo dục và quản lý. Để ngăn chặn bạo lực học đường, xử lý kỷ luật là một phần, quan trọng hơn hết là công tác giáo dục.

Đầu tiên là vấn đề giáo viên, cần rà soát lại năng lực, kỹ năng của nhà giáo đối với việc ứng xử trong nhà trường, với học sinh. Các nhà trường cần thường xuyên theo dõi, rà soát lại quan hệ thầy-trò; diễn biến về tâm lý giáo viên, học sinh và công tác quản lý lớp học.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng phải có trách nhiệm trong việc này vì phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh rất quan trọng. Giáo dục học sinh không chỉ trong nhà trường, trong gia đình mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Văn hóa trong xã hội từ văn hóa giao thông cho đến tất cả cách ứng xử, văn hóa trên không gian mạng… đều cần làm tốt. Bởi vì đây cũng là việc rất quan trọng tác động, ảnh hưởng đến học sinh, sinh viên.

Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng hơn trong công tác giáo dục đạo đức học sinh; tiếp tục tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương, các cơ sở đào tạo làm tốt công tác đào tạo đội ngũ giáo viên, các chương trình giảng dạy, nhất là tư tưởng đạo đức và công tác quản lý để phối hợp tốt với phụ huynh.

QUỲNH NGUYỄN