Người lan tỏa chèo đi muôn nơi

Nguyễn Ánh Hiền
Bền bỉ, tâm huyết, trách nhiệm, gần 30 năm qua, soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam như một đại sứ kết nối, lan tỏa chèo trên khắp mọi miền đất nước.

Bước chân không mỏi

Soạn giả Mai Văn Lạng không nhớ nổi mình đã đi đến bao nhiêu vùng đất nhưng anh khẳng định chắc nịch với tôi, nơi nào có dân ca là có dấu chân của anh. Những hành trình ngược xuôi từ đồng bằng lên miền núi rồi ngược ra biển, đảo đã đúc rút cho anh nhiều suy nghĩ và sự trải nghiệm. Theo anh, ông cha ta đã để lại kho tàng dân ca quý giá, mỗi vùng đất có làn điệu dân ca riêng và có giá trị đặc biệt. Đi đến đâu anh cũng cố gắng tìm hiểu rất kỹ. Có những bài dân ca cổ anh vừa thu của các nghệ nhân, về đến Hà Nội thì được tin họ đã qua đời khiến anh day dứt và quyết tâm làm được gì sớm cho dân ca thì phải làm ngay.

Gần 30 năm công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, anh đã thu được hàng nghìn bài dân ca, nhưng anh bảo điều đó cũng chỉ là một phần trong hành trình sáng tạo của mình. Điều đáng tự hào với anh là đi đến đâu cũng được bà con nhân dân yêu quý, coi như người thân trong nhà. Có những nơi xa xôi, hẻo lánh, bà con còn cử người đi xe máy 7-10km đón anh về làng, bản. Có lần vì nhỡ chuyến xe về xuôi mà anh phải ở lại Hà Giang 5 ngày. Đó là quãng thời gian cho anh rất nhiều trải nghiệm để rồi với tình cảm của mình, anh đã viết bài hát chèo “Hát về Hà Giang” được nhiều khán, thính giả yêu chèo và bà con Hà Giang đón chào nồng nhiệt.

b1-1690339723.jpg

Soạn giả Mai Văn Lạng (bên trái) và các nghệ sĩ quan họ. Ảnh do nhân vật cung cấp

Là người hiểu biết nhiều làn điệu dân ca nên soạn giả Mai Văn Lạng đã vận dụng nhuần nhuyễn để soạn lời mới cho phù hợp với đời sống đương đại nhưng không mất đi giá trị của dân ca. Đây là công việc không dễ, như anh nói là “người đi trên dây”, vì ranh giới giữa làm mới và làm hỏng dân ca rất mong manh. Trong các loại hình dân ca, anh cảm thấy tự tin và có sự am hiểu nhất là nghệ thuật chèo. Thế nhưng, khi đến các vùng quê, anh luôn cố gắng vận dụng dân ca của vùng đó để truyền tải thông điệp mà người nghe dễ dàng cảm nhận nhất. Ví dụ như gần đây, khi vào thăm quê Bác, anh đã viết bài dân ca xứ Nghệ “Hương sen quê Bác” với lời ca trữ tình, giai điệu mượt mà, đằm thắm. Bài hát đã được nghệ sĩ trẻ Thanh Phong cùng tốp nữ thể hiện và phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ở tuổi 50, soạn giả Mai Văn Lạng còn rất nhiều dự định, kế hoạch đến với các vùng quê. Anh nguyện đem hết tài năng, tâm huyết đến với nhiều vùng quê hơn nữa để vừa viết vừa sưu tầm dân ca. Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ rằng khó khăn nhất với mình là quỹ thời gian eo hẹp. Một điều nữa mà anh luôn trăn trở là mình “sinh sau đẻ muộn” nên khi đặt chân đến các vùng quê, nghệ nhân đã quá cao tuổi, nhiều người không nhớ được các bài dân ca của làng quê họ nữa.

Tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích

Soạn giả Mai Văn Lạng là một trong những người đưa nghệ thuật chèo lên mạng xã hội và trang web. Trang “Đến với nghệ thuật chèo” do anh đồng sáng lập trên Facebook hiện có hơn 7,5 nghìn người đăng ký theo dõi. Bên cạnh đó, anh còn lập trang YouTube về hát chèo để tiếp cận với khán, thính giả chưa có điều kiện nghe, thưởng thức trực tiếp cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật chèo. Cũng từ sự phát triển của hội, nhóm về chèo trên Facebook đã giúp anh nảy ra ý định thành lập Giao lưu “Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc”.

Soạn giả Mai Văn Lạng kể, ngày 27-4-2015, anh và nhóm bạn đã tổ chức Giao lưu “Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc” lần thứ I tại Hà Nội. Từ đó đến nay đã có 8 cuộc giao lưu, hàng nghìn người yêu chèo không chuyên đã bước lên sân khấu, thể hiện hàng trăm tiết mục lời mới và lời cổ với nhiều làn điệu chèo. Cũng từ đây, ở các làng quê phía Bắc ra đời rất nhiều câu lạc bộ dân ca và chèo. Trên các mạng xã hội đã có hàng chục trang, hội, nhóm yêu chèo để kết nối, lan tỏa đến những người có chung niềm đam mê. Đặc biệt, đã có hàng trăm Việt kiều tham gia các trang, hội, nhóm hát chèo và về nước tham gia giao lưu.

Soạn giả Mai Văn Lạng cho hay, từ giao lưu ý nghĩa, bổ ích này đã có hàng chục người yêu chèo soạn lời mới cho hàng trăm bài hát chèo. Ví dụ như các tác giả Nguyễn Sĩ Sang, Vũ Văn Nam, Dần Điện, An Hải Minh, Nguyễn Đức Minh... Cũng qua các cuộc giao lưu đã xuất hiện thêm những người đam mê nghiên cứu chèo như Mai Thiện, Lê Xuân Khoa... “Điểm mới của Giao lưu “Những người yêu nghệ thuật chèo toàn quốc” lần thứ VIII-năm 2023 là gần một nửa số tiết mục được biểu diễn bởi các diễn viên lần đầu tiên lên sân khấu; các trích đoạn đã được nâng cấp, sâu và dài hơi hơn. Có thể thấy số lượng người yêu chèo ngày càng đông đảo. Dịp giao lưu năm nay thu hút gần 1.000 người tham gia là minh chứng. Trong giao lưu đã có 140 tiết mục được biểu diễn, trong đó hình ảnh xúc động với tôi là hai em Nam Anh (13 tuổi), Thanh Trúc (11 tuổi) đến từ quận Long Biên (Hà Nội) diễn cùng bà nội trích đoạn dài 16 phút trong “Phạm Công-Cúc Hoa” hay chị Kim Yến diễn trích đoạn “Súy Vân giả dại” đầy cảm xúc. Đặc biệt, bạn Trần Quang Đạo (sinh năm 1992), đến từ huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã bỏ 15 triệu đồng để đưa bà nội Hồng Thanh, năm nay đã 81 tuổi, đến tham gia giao lưu. Chính những con người tâm huyết này đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh, niềm tin về việc chèo vẫn có sức hấp dẫn trong đời sống nhân dân”, soạn giả Mai Văn Lạng chia sẻ.

Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của soạn giả Mai Văn Lạng, Tiến sĩ, nhà viết chèo Trần Đình Ngôn khẳng định: “Gần 30 năm qua, Mai Văn Lạng không ngừng nghỉ trong hành trình sưu tầm, làm mới dân ca. Tôi từng tham gia Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ của Mai Văn Lạng và thấy anh đã nghiên cứu rất kỳ công về ca từ trong chèo. Không có tình yêu, sự đam mê thì Mai Văn Lạng khó có thể bền bỉ, tâm huyết như vậy. Là người nhanh nhạy với công nghệ, anh là một trong những người tiên phong đưa chèo nói riêng và dân ca nói chung lên mạng xã hội. Điều này đã giúp chèo và dân ca có sự lan tỏa, phát triển ở khắp mọi nơi”.