Nhiều thách thức an ninh với sinh viên thời đại số

Nguyễn Ánh Hiền
Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số lượng sinh viên đông nhất cả nước; trong đó, riêng khối đại học có hơn 600 nghìn sinh viên. Đây là đối tượng thường bị tấn công trên internet.
d1301nttan-4453-1705290028.jpg
Sinh viên một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hoạt động ngoại khóa.

Theo thông tin Ban Cơ yếu Chính phủ, tháng 8/2021, một tài khoản có tên xxx983 đã đăng bán trên một diễn đàn công khai dữ liệu của hơn 300.000 sinh viên trường đại học tại Việt Nam bao gồm họ tên đầy đủ, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, hình ảnh chứng minh nhân dân, hộ chiếu, khóa học, lớp học. Những thông tin này có thể được sử dụng với mục đích thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo...

Trước đó, một vụ việc liên quan hình ảnh một sinh viên tại ký túc xá khu B, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bị các đối tượng khống chế để cướp tài sản. Vụ việc này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, các diễn đàn,... Trên nhiều diễn đàn, các đối tượng đưa ra những câu hỏi lập lờ về vấn đề an ninh đối với hàng chục nghìn sinh viên tại đây liệu có được bảo đảm? Sinh viên cần làm gì khi bị cướp?,... Sau khi điều tra, cơ quan chức năng xác định, không có vụ cướp nào xảy ra như thông tin lan truyền mà đây là câu chuyện các sinh viên tự dàn dựng rồi đăng lên mạng xã hội.

Theo thống kê, Việt Nam có 77,93 triệu người sử dụng internet (tương đương 79,1% tổng dân số, tăng 5,3 triệu người (tăng 7,3%) so với năm 2022). Trong đó, có 70 triệu người dùng mạng xã hội và 64,4 triệu người dùng từ 18 tuổi trở lên. Số lượng người sử dụng mạng xã hội ngày càng đông và tăng nhanh, đặc biệt là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 16 đến 24. Mạng xã hội mang đến rất nhiều lợi ích cho các bạn sinh viên khi tiếp cận nguồn thông tin hỗ trợ học tập, giải trí và chia sẻ thông tin hữu ích.

Tuy nhiên, mối lo về nguy cơ mất an ninh, dữ liệu cá nhân, bị lôi kéo vào các vụ việc tiêu cực cũng luôn hiện hữu. Trong đó, việc tiếp cận những thông tin xấu, độc không chọn lọc cẩn thận, xác minh tính đúng đắn sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống, kết quả học tập của các sinh viên.

Một nghiên cứu của các giảng viên, sinh viên Trường đại học An ninh Nhân dân cho thấy nhiều hệ lụy tiêu cực khi vấn đề về an ninh mạng của sinh viên gặp vấn đề. Cụ thể, các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội khiến sinh viên hiểu sai về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, gây mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chính quyền.

Thông tin xấu, độc làm ảnh hưởng đến tinh thần, đời sống, thậm chí là sức khỏe của sinh viên khi mà nhiều người dùng mạng xã hội có xu hướng quan tâm, thích hoặc chia sẻ thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều khiến các thông tin xấu, độc lan truyền nhanh chóng hơn. Những thông tin xấu, độc cũng tác động, làm lệch lạc hành vi, suy nghĩ, tư tưởng, nhân cách sống của sinh viên, dẫn tới hậu quả khó lường, thậm chí là vi phạm pháp luật.

Một khảo sát với 300 sinh viên các trường đại học với câu hỏi: "Bạn gặp phải những khó khăn gì trong việc đưa ra hành động khi gặp những thông tin chứa nội dung xấu, độc?". Kết quả cho thấy, 152 sinh viên cho rằng, họ gặp khó khăn khi "giáp mặt" các dạng thông tin này là do sinh viên thiếu nguồn tin chính thống, xác thực (tỷ lệ 51%); 111 sinh viên cũng gặp khó khăn về trình độ lý luận chính trị, nhận thức chính trị, kiến thức của bản thân (tỷ lệ 37,2%). Một vấn đề đáng lo ngại khác là tỷ lệ sinh viên không thể nhận biết thông tin độc hại vẫn có tồn tại với 60/300 sinh viên, chiếm tỷ lệ 20,1%, đây là một con số đáng chú ý.

Theo Thạc sĩ Trần Minh Tú, giảng viên Trường đại học Kinh tế-Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, mạng xã hội ngày càng phổ biến và dần đang trở thành kênh chia sẻ, tiếp cận thông tin, cung cấp tin tức, kiến thức về mọi lĩnh vực cuộc sống. Bên cạnh những tác động tích cực thì thông tin chia sẻ trên mạng xã hội cũng có nhiều biến tướng, độc hại; do đó, sinh viên cần nhận thức rõ ràng về những mối de dọa trên mạng xã hội, thẩm định rõ ràng thông tin, vấn đề trước khi sử dụng.

Về phía bản thân sinh viên, cần xác định mục đích sử dụng mạng xã hội lành mạnh để nó trở thành một phương tiện phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu, giải trí và chia sẻ thông tin tích cực. Các sinh viên cần tìm hiểu, nắm vững Luật An ninh mạng để hiểu rõ những biện pháp bảo vệ an ninh mạng, những hành vi bị cấm để có những hành vi và nhận thức đúng về những thông tin tiếp cận trên mạng xã hội.

Trước các thông tin khi tiếp xúc cần có sự thẩm định, kiểm tra, trong đó, kiểm tra nguồn đăng tải tin tức để xác minh chính xác nguồn của thông tin. Đồng thời phía nhà trường cần xây dựng và lồng ghép vào chương trình giảng dạy những kỹ năng từ cơ bản đến nâng cao về thẩm định thông tin trên mạng xã hội.

Việc cập nhật thông tin vào bài giảng là cần thiết để sinh viên có thể học hỏi và tiếp thu nhanh chóng. Phổ biến đến sinh viên về những vấn đề do tin giả gây ra và nâng cao ý thức về tin giả bằng cách áp dụng các bài tập tình huống thực tế, các câu chuyện đã xảy ra trong thực tế.

Đứng ở góc độ pháp lý, trên cơ sở nghiên cứu về bảo vệ thông tin cá nhân của sinh viên với ba nguồn thông tin cá nhân gồm: Họ tên, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử, nhóm tác giả nghiên cứu thuộc Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung quy định ghi nhận địa chỉ thư điện tử và số tài khoản ngân hàng là một nguồn dữ liệu cá nhân cơ bản vào Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm ghi nhận sự bảo vệ của pháp luật đối với nguồn thông tin cá nhân này.

Ngoài ra, Luật Giáo dục đại học hiện hành cần bổ sung quy định có liên quan trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong việc ban hành những quy chế, quy định nhằm bảo vệ thông tin cá nhân của sinh viên.