Phí tham quan và câu chuyện lan tỏa giá trị di sản

Nguyễn Ánh Hiền
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết sửa đổi quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội.
screenshot-2023-12-09-090741-1702087675.png
Văn Miếu-Quốc Tử Giám.

Theo nghị quyết mới, mức phí tham quan nhiều di tích ở Thủ đô sẽ tăng đáng kể. Vé vào tham quan Di tích Hoàng thành Thăng Long là 100 nghìn đồng/lượt, vé vào di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám là 70 nghìn đồng/lượt, vé vào di tích Nhà tù Hỏa Lò là 50 nghìn đồng/lượt.

Ngay di tích đền Ngọc Sơn bên hồ Hoàn Kiếm cũng thu phí tham quan là 50 nghìn đồng/lượt. Cá biệt một lượt vé tham quan thắng cảnh chùa Hương là 120 nghìn đồng/lượt.

Hà Nội đang định hướng phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, di sản là “nguồn vốn” quan trọng nhất. Những di tích như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Hương... mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách.

Tiền vé tham quan đem lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách. Tuy nhiên, các di tích không chỉ là tài nguyên để chúng ta khai thác. Di tích chính là món quà quý báu mà cha ông để lại, với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật... của dân tộc.

Qua đó, chúng ta hiểu về quá trình xây dựng, phát triển đất nước qua nhiều thế kỷ. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích còn góp phần lan tỏa giá trị di sản đến cộng đồng, từ đó, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc và những giá trị chân-thiện-mỹ của cha ông.

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều đoàn học sinh từ các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước đến tham quan, học tập tại Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám hay di tích Nhà tù Hỏa Lò là minh chứng sống động cho việc giáo dục di sản, giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ.

Nhiều em nhỏ ở các tỉnh xa mơ ước có một lần đến di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám để hiểu được truyền thống hiếu học được bồi đắp qua cả nghìn năm lịch sử.

Dù thành phố áp dụng giảm 50% giá vé cho một số đối tượng như người cao tuổi, người khuyết tật, học sinh, sinh viên, nhưng giá vé tham quan các di tích tăng như vậy cũng nguy cơ tạo ra một rào cản không nhỏ đối với mong muốn của các em, với việc lan tỏa giá trị di tích đến cộng đồng.

Những người ở xa còn phải chịu nhiều chi phí khác như ăn uống, nghỉ ngơi, đi lại... khiến chuyến tham quan trở nên tốn kém hơn. Chưa kể, mức giá quá cao cũng ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng lữ hành.

Tại bất cứ địa phương nào, phí tham quan di tích là nguồn thu cho ngân sách, đồng thời cũng là nguồn để tái đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Song, cũng không chỉ vì vậy mà coi nhẹ những nhiệm vụ khác. Thay vì trực tiếp thu qua giá vé, nên chăng các di tích cần giữ mức phí hợp lý, nhưng tăng cường các hoạt động có thu phí lẻ tạo lựa chọn cho nhiều đối tượng như: Vui chơi, giải trí, trải nghiệm, mua quà lưu niệm... phù hợp với không gian di tích.

Nếu tăng phí thu tổng thể thì cần đổi mới, sáng tạo thêm nhiều tiện ích, sản phẩm du lịch miễn phí khác bao gồm luôn trong vé tại chính điểm di tích để khách tham quan cảm thấy cùng một chuyến đi không nhàm chán, đơn điệu, “đáng đồng tiền” khi tham gia. Đó mới là giải pháp hợp lý để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa bền vững, có chiều sâu mà vẫn bảo đảm nhiệm vụ lan tỏa giá trị di sản.