Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

Tran Huy
Mô hình Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng ra đời đã giúp việc phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian sớm nhất. Xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang là một thí dụ.
Cầu bê-tông tránh lũ tại thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ (Hà Giang).
Cầu bê-tông tránh lũ tại thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài, huyện Quản Bạ (Hà Giang).

Quản Bạ là một huyện biên giới nằm ở khu vực phía bắc tỉnh Hà Giang, số dân hơn 57.000 người , với 18 dân tộc. Địa giới hành chính gồm 12 xã và 1 thị trấn, 107 thôn bản, 5 xã biên giới với 21 thôn giáp biên; có 9 xã đặc biệt khó khăn... Chính vì vậy, huyện Quản Bạ là một trong những địa phương được Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Cục Đê điều và Phòng chống thiên tai triển khai Chương trình Phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng từ năm 2007. Hằng năm, tất cả các thôn, bản trong huyện tham gia chương trình đều tổ chức sử dụng công cụ đánh giá rủi ro để lập kế hoạch phòng chống thiên tai dựa vào cộng đồng. Đến nay, 100% các xã tham gia chương trình đều có kế hoạch chủ động và có thể kết nối dễ dàng với Phòng Nông nghiệp huyện, là cơ quan chịu trách nhiệm điều phối các nỗ lực chuẩn bị và ứng phó với thiên tai cấp địa phương.

Chúng tôi đến xã vùng biên Tùng Vài, huyện Quản Bạ, nơi thường xuyên hứng chịu nhiều loại hình thiên tai khắc nghiệt như rét đậm, rét hại, mưa, lũ, sạt lở đất..., được tận mắt thấy những công trình phòng chống thiên tai đang phát huy hiệu quả tích cực. Hệ thống đèn năng lượng mặt trời và cầu tránh lũ đã giúp người dân an toàn hơn trước thiên tai, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tùng Vài Phàn Chẩn Phúc cho biết, hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt từ tháng 12/2023 với công suất 300 W, cùng hệ thống điều khiển tự động đã giảm mức tiêu thụ điện năng của đèn vào thời điểm ít người dân di chuyển. Thời gian chiếu sáng vì thế được lâu hơn, dự phòng được cho 2-3 ngày thời tiết âm u, không có nắng. Hệ thống đèn đã góp phần gìn giữ trật tự thôn bản, bảo đảm việc di chuyển, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có lũ lớn. Mặt khác, hệ thống chiếu sáng đã hỗ trợ người dân vùng cao tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế tại địa phương.

Cùng với hệ thống đèn năng lượng mặt trời, Tổ chức ActionAid còn tài trợ cây cầu bê-tông tránh lũ tại thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài, giúp hơn 7.000 người dân trong xã không bị chia cắt trong thời gian mưa lũ. Đặc biệt, 130 trẻ em của 50 hộ dân thôn Bản Thăng không phải nghỉ học trong thời gian mưa lũ. Tay chỉ cây cầu, Bí thư Đoàn Thanh niên thôn Bản Thăng Nguyễn Thị Thủy phấn khởi chia sẻ, cách đây chỉ vài năm, người dân Bản Thăng không dám mơ tới một cây cầu kiên cố. Con suối Bản Thăng cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trong bản, nhưng khi mùa lũ đến, nước suối dâng cao, việc đi lại của người dân gặp khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Nhiều khu vực trong thôn bị ngập, có nhiều nơi còn bị cô lập dài ngày.

Ngoài xã Tùng Vài, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ Đỗ Quang Dũng cho biết, đến thời điểm này, 100% số thôn bản của 5 xã và 1 thị trấn thuộc huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai, sử dụng các công cụ đánh giá các mức độ rủi ro, từ đó nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động phòng chống, giảm nhẹ những rủi ro từ thiên tai trên địa bàn.

Thực tế cho thấy, không thể thực hiện công tác phòng chống thiên tai nếu không xuất phát từ nhu cầu thực tế của chính người dân. Chính từ những nhu cầu, kinh nghiệm, kiến thức của người dân địa phương, các cấp chính quyền, tổ chức xã hội sẽ đưa ra được những biện pháp, giải pháp ứng phó nhằm khắc phục những điểm yếu trong công tác phòng chống thiên tai. Đây là cách làm hay, hướng tiếp cận thiết thực của Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam.

Với những nỗ lực trong công tác phòng chống thiên tai, tháng 10/2023 vừa qua, Việt Nam trở thành nước chủ nhà Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai lần thứ 11. Tại hội nghị, Việt Nam đã đệ trình thành công Tuyên bố Hạ Long, nêu rõ tầm quan trọng của việc hành động sớm và tăng cường chống chịu đối với thiên tai. Các cam kết được đưa ra trong Tuyên bố Hạ Long là định hướng cho kế hoạch giai đoạn đến năm 2028 của Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai, bao gồm: tăng cường lập kế hoạch, hành động sớm và ứng phó khẩn cấp với thiên tai; nâng cao nhận thức cộng đồng về chủ động phòng chống thiên tai; cải thiện và phát triển hệ thống thông tin về rủi ro thiên tai cho cộng đồng ■

BÀI VÀ ẢNH: TIẾN ĐẠT