Thận trọng khi tìm việc làm qua mạng

Tran Huy
Giả danh các công ty, doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng lao động lên mạng sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là thủ đoạn mới. Tuy nhiên, do nhu cầu tìm việc làm của người dân cao, cộng thêm các đối tượng lừa đảo sử dụng những thủ đoạn ngày càng tinh vi khiến nhiều người vẫn bị sập bẫy.

Mới đây, chị N.K.V ở phường Long Bình (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) lên mạng tìm việc làm và để lại số điện thoại trên một trang web tuyển lao động. Ngay lập tức có người tự xưng là “tư vấn viên” gọi điện phỏng vấn, giới thiệu cho chị V vào làm trực trang web chuyên bán mỹ phẩm với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng. Thấy phù hợp nên chị V đồng ý, tuy nhiên phía công ty yêu cầu chị bắt buộc phải mua bộ mỹ phẩm trị giá 750.000 đồng. Sau khi chuyển tiền mua mỹ phẩm thì “tư vấn viên” cũng cắt mọi liên lạc với chị V. Lúc này chị V mới biết mình bị lừa.

 Một người dân thành phố Tuy Hòa bị lừa sang Campuchia kể với gia đình mình bị lừa. Ảnh minh họa: TTXVN
Một người dân thành phố Tuy Hòa bị lừa sang Campuchia kể với gia đình mình bị lừa. Ảnh minh họa: TTXVN

Trường hợp khác là V.T.A, sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP Hải Phòng, bị lừa mất 1,5 triệu đồng vì tin tưởng “nhà tuyển dụng” online. Theo chia sẻ của A, do cần tiền nên em đã tham gia vào một nhóm tìm việc trên Facebook.

Sau đó, A được giới thiệu và ứng tuyển vào làm cho một công ty với mức lương phù hợp. Để được tuyển dụng, A phải nộp 1,5 triệu đồng tiền đặt cọc và làm thẻ ngân hàng trả lương. Tin tưởng nên A chuyển tiền theo yêu cầu của “nhà tuyển dụng”. Tiền đã chuyển nhưng đợi mãi không thấy phía công ty thông báo lịch đi làm nên A tìm hiểu thì phát hiện fanpage giới thiệu việc làm trên là giả mạo.

Thời gian qua, nhiều địa phương đưa ra cảnh báo đối với người dân về tình trạng lừa đảo bằng hình thức tuyển lao động qua mạng. Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là tạo ra các trang web tuyển dụng lao động giả mạo có sử dụng logo, hình ảnh và thông tin giống với trang web của các công ty, doanh nghiệp uy tín, hoặc lập các nhóm tìm việc làm trên mạng xã hội Facebook, Zalo nhằm tiếp cận người có nhu cầu việc làm.

Khi người dân để lại số điện thoại trên nhóm, trang web giả mạo, các đối tượng sẽ gọi điện tư vấn và đưa ra những lời mời chào việc nhẹ lương cao, đi làm ngay, làm tại nhà... Thậm chí, các đối tượng còn lợi dụng công nghệ Deepfake (công nghệ làm giả âm thanh, hình ảnh) để thực hiện cuộc gọi video phỏng vấn giả nhằm đánh lừa người lao động. Khi người dân đồng ý đi làm, các đối tượng sẽ yêu cầu đóng một số khoản phí như tiền đặt cọc, phí làm hồ sơ, mua đồng phục, mở tài khoản ngân hàng để trả lương... sau đó chiếm đoạt.

Để tránh sập bẫy, người dân khi đăng ký tìm việc làm qua mạng cần kiểm tra thật kỹ các thông tin của đơn vị tuyển dụng như trụ sở làm việc; lĩnh vực kinh doanh, sản xuất; thông tin cá nhân của tư vấn viên... Đặc biệt, người dân nên gọi điện trực tiếp đến công ty, doanh nghiệp để xác nhận thông tin tuyển dụng.

Người dân cũng nên cảnh giác với những lời mời chào việc nhẹ lương cao; thận trọng khi đăng ký làm việc online tại nhà; tuyệt đối không cung cấp số tài khoản ngân hàng, mã OTP hay làm theo hướng dẫn như bấm phím điện thoại hoặc xác nhận số điện thoại, kích vào các đường link lạ. Hiện nay, các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng lao động thường không thu phí nên người dân không chuyển tiền dưới mọi hình thức. Người dân nên trực tiếp đến trụ sở công ty, doanh nghiệp để ứng tuyển, tránh bị “cò” việc làm hoặc bị lừa đảo.

NGUYỄN TRƯỜNG