Thi công "thần tốc" trên công trường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn

Tran Huy
Dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có chiều dài 88 km, tổng mức đầu tư hơn 20.400 tỷ đồng, trong đó đoạn qua địa phận Quảng Ngãi dài 60,3 km và Bình Ðịnh dài 27,7 km. Ðây là dự án thành phần có quy mô lớn nhất thuộc dự án đường bộ cao tốc bắc-nam giai đoạn II (2021-2025).
Các đơn vị thi công hạng mục cầu trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.
Các đơn vị thi công hạng mục cầu trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn.

Thời điểm này, đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn là một đại công trường được tổ chức thực hiện, quản lý theo hình thức Tổng thầu, thi công "thần tốc", vượt tiến độ nhiều hạng mục lớn.

Vượt tiến độ nhiều hạng mục

Ðại diện Tập đoàn Ðèo Cả cho biết, toàn dự án đã huy động hơn 3.050 nhân sự, hơn 1.160 máy móc, thiết bị, triển khai 44/45 mũi thi công, tổ chức làm việc ba ca, đối với hạng mục thi công hầm, các kỹ sư, công nhân thay ca nhau làm việc liên tục 24/24 giờ. Sản lượng thực hiện đến nay đã đạt hơn 12% tổng khối lượng. Dự kiến đến hết năm 2023, dự án phấn đấu giải ngân lũy kế đạt gần 4.400 tỷ đồng, vượt kế hoạch giải ngân phần xây lắp được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn có 77 cầu, 586 cống, 81 hầm chui dân sinh và 3 hầm xuyên núi, gồm hầm số 1 dài 610m, hầm số 2 dài 700m và hầm số 3 dài 3.200m. Ngày 23/12 vừa qua, hầm số 1 đã chính thức được Tập đoàn Ðèo Cả đào thông, vượt tiến độ hơn hai tháng so với kế hoạch trong hợp đồng. Hầm số 2 cũng đã được các đơn vị đào thông vượt tiến độ gần một tháng so với kế hoạch đề ra tại Lễ phát động ký giao ước thi đua 100 ngày thông hầm số 2 (ngày 10/10/2023) và vượt gần năm tháng so với yêu cầu trong hợp đồng.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ðèo Cả Nguyễn Quang Huy cho biết, hưởng ứng thi đua 100 ngày thi công thông hầm số 2 và kế hoạch thi công một số hạng mục chính thuộc dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Tập đoàn Ðèo Cả đã chủ động triển khai các giải pháp thi công trong mùa mưa tại khu vực miền trung, đồng thời áp dụng sáng kiến cải tiến thi công, đẩy nhanh tiến độ bằng phương pháp đào hầm "Hệ Ðèo Cả" (6 mũi thi công hầm thay vì 4 mũi), sử dụng tuần hoàn nước thi công (tiết kiệm 95% lượng nước thi công hầm).

"Bằng kinh nghiệm được đúc rút qua nhiều lần triển khai các dự án hầm xuyên núi, làm chủ công nghệ, chúng tôi đã nghiên cứu cải tiến phương pháp thi công hầm, tăng mũi đào và bước đào, rút ngắn chu kỳ đào một gương hầm. Nhờ đó, tiến độ đào hầm được thúc đẩy đáng kể. Song song với việc đẩy nhanh tiến độ, công tác an toàn và chất lượng công trình luôn được đơn vị kiểm soát chặt chẽ. Sau khi đào thông, hầm số 1 và hầm số 2 sẽ được tận dụng làm đường công vụ, rút ngắn thời gian vận chuyển, điều phối vật liệu trên toàn tuyến, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án", ông Huy chia sẻ.

Song song với việc đẩy nhanh tiến độ, công tác an toàn và chất lượng công trình luôn được đơn vị kiểm soát chặt chẽ. Sau khi đào thông, hầm số 1 và hầm số 2 sẽ được tận dụng làm đường công vụ, rút ngắn thời gian vận chuyển, điều phối vật liệu trên toàn tuyến, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Ðèo Cả Nguyễn Quang Huy

Ðối với hầm số 3, hầm xuyên núi lớn nhất trên tuyến cao tốc bắc-nam giai đoạn II, hiện nay tiến độ đào ống hầm trái đã đạt 410/3.200m, ống hầm phải đạt 420/3.200m. Theo hợp đồng ký với chủ đầu tư, hầm số 3 sẽ đào thông sau 42 tháng thi công, nhưng nhà thầu đang nỗ lực phấn đấu để thông hầm đường bộ cấp đặc biệt này sớm hơn kế hoạch.

Sẽ thi công "xuyên Tết"

Ðối với hạng mục cầu Sông Vệ, cầu lớn nhất trên tuyến với chiều dài 610m, hiện các đơn vị đã hoàn thành toàn bộ 134 cọc khoan nhồi, thi công 13/16 bệ móng, mố trụ, 12/14 thân mố trụ, 55/105 dầm cầu, đáp ứng kế hoạch tiến độ.

Anh Nguyễn Tiến Thắng (quê ở Quảng Nam), công nhân thi công tại hầm số 2 cho biết, trước đây anh làm ở doanh nghiệp xây dựng dân dụng gần nhà, thu nhập bấp bênh do ít việc làm cho nên đã xin vào làm công nhân thi công đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn. Tuy công việc xa nhà, vất vả, nhưng bù lại điều kiện ăn ở bảo đảm, thu nhập ổn định và được trả lương đúng hạn. "Lần đầu tiên tôi tham gia thi công đường cao tốc và cũng là lần đầu trong đời làm công nhân mà được ăn, ngủ ở phòng có điều hòa, nước nóng lạnh để tắm, giặt", anh Thắng không giấu được niềm vui.

Lần đầu tiên tôi tham gia thi công đường cao tốc và cũng là lần đầu trong đời làm công nhân mà được ăn, ngủ ở phòng có điều hòa, nước nóng lạnh để tắm, giặt.

Anh Nguyễn Tiến Thắng (quê ở Quảng Nam), công nhân thi công

Cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn sau gần một năm triển khai, tuy còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu, thời tiết khắc nghiệt làm ảnh hưởng công tác tổ chức thi công, tuy nhiên, với sự hỗ trợ đắc lực của địa phương và chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn giám sát,... đã tháo gỡ cơ bản các vấn đề vướng mắc, tiến độ được bảo đảm theo hợp đồng, thậm chí một số hạng mục còn vượt kế hoạch đề ra.

Ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 đánh giá cao nhà thầu Tập đoàn Ðèo Cả đã triển khai dự án với tinh thần quyết tâm cao độ, làm việc ba ca, bốn kíp, đồng thời có nhiều sáng kiến sáng tạo trong thi công, nhờ đó rút ngắn tiến độ gần sáu tháng. "Trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án 2 cùng nhà thầu Ðèo Cả lên kế hoạch tiếp tục triển khai thi công xuyên Tết để bảo đảm rút ngắn tiến độ dự án, sớm đưa công trình vào phục vụ người dân, phục vụ xã hội", ông Lê Thắng khẳng định.

Ông Khương Văn Cương, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Ðèo Cả cho biết, dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn là dự án có quy mô lớn nhất trên đường cao tốc bắc-nam giai đoạn II, được tổ chức thực hiện, quản lý theo hình thức Tổng thầu. Ðể quản lý, quản trị điều hành hiệu quả, tối ưu chi phí, kiểm soát tiến độ và chất lượng, Tập đoàn Ðèo Cả đã đúc rút kinh nghiệm từ thực tế ở những dự án khó khăn, phức tạp từng triển khai thành công như hầm Ðèo Cả, Cù Mông, Hải Vân, cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, Trung Lương-Mỹ Thuận, Cam Lâm-Vĩnh Hảo… để áp dụng cho dự án này. Trước khi bắt tay triển khai các dự án mới, hay như dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, Ðèo Cả đều có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn lực máy móc thiết bị, con người, tài chính,... và nhất là cách điều phối, phối hợp với các nhà thầu khác trong liên danh.

"Ngoài áp dụng biện pháp cải tiến thi công, chúng tôi còn tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng cho nhân sự nội nghiệp, hiện trường, lái xe lái máy, an toàn lao động,... trực tiếp tại dự án. Ðồng thời, thực hiện ba tuyến kiểm soát tiền kiểm, hậu kiểm, phúc kiểm, sử dụng nhân sự của Công ty An ninh Ðèo Cả kết hợp với lực lượng an ninh địa phương để giám sát các hoạt động trên công trường", ông Cương cho biết.

Xác định là thành viên đứng đầu liên danh, cho nên ngay từ đầu, Tập đoàn Ðèo Cả đã chủ động tổ chức đánh giá khả năng của các nhà thầu, đưa ra các công cụ quản trị điều hành và tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ số, công bố thông tin về giá trị gói thầu, tiến độ dự án, tổ chức giám sát cộng đồng để cùng kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện của các bên liên quan.

THÀNH TRANG