Tọa đàm khoa học "Triết học về sự giàu có và hạnh phúc"

Vũ Xuân Kiên
(tapchivietduc.vn) - Chiều ngày 30/8 vừa qua, khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Viện Pháp Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Triết học về sự giàu có và hạnh phúc” thu hút đông đảo sinh viên, giảng viên và các nhà khoa học cùng tham gia.

Buổi tọa đàm được tổ chức tại Hội trường K1 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dưới sự chủ trì của các diễn giả: Giáo sư Dominique Méda, Giám đốc Viện Nghiên cứu liên ngành về khoa học xã hội (IRISSO), kiêm Chủ tịch Viện Veblen; Giáo sư xã hội học tại Đại học Paris Dauphine, PSL; GS.TS Trần Văn Phòng, Nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS Nguyễn Duy Nhiên, Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.

20230910-094403-1694314736.jpg
Buổi tọa đàm Triết học về sự giàu có và hạnh phúc diễn ra tại Hội trường K1 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Trước buổi tọa đàm, Khoa Triết học đã tiến hành trao học bổng Trần Đức Thảo cho các sinh viên xuất sắc của khoa năm học 2022-2023. PGS.TS Lê Văn Đoán, Chủ tịch Quỹ học bổng Trần Đức Thảo đã giới thiệu về quỹ học bổng này và các tiêu chí để trao học bổng cho những sinh viên xuất sắc của khoa, các tiêu chí gồm: thành tích học tập, công tác hoạt động, thành tích nghiên cứu và sự vượt khó vươn lên của các em sinh viên.

Bàn luận về chủ đề “Hạnh phúc có nằm trong tích lũy” với vấn đề giàu có là gì? Con người có ham muốn tự nhiên, ham muốn hão huyền và không bao giờ thỏa mãn được các ham muốn về giàu sang, phú quý, hư vinh. Điều quan trọng để vui sống là chúng ta hãy thuận theo ham muốn tự nhiên, tránh các ham muốn hão huyền, giả tạo. Sự bình yên trong tâm hồn chính là nguyên nhân, nguyên tắc và mục tiêu của cuộc sống hạnh phúc.

20230910-094343-1694314736.jpg
Các diễn giả trong buổi tọa đàm Triết học về sự giàu có và hạnh phúc

Giáo sư Dominique Méda đã viện dẫn một số câu chuyện để làm rõ hơn về sự giàu có và hạnh phúc. Trong đó, giáo sư đã dẫn một câu chuyện từ cuốn sách Principes de l’économie politique 1820 (Các nguyên tắc của kinh tế chính trị), trong đó nhà kinh tế học Malthus đã tự vấn giàu có là gì? “Ông đã đưa ra rất nhiều khái niệm và cuối cùng đã chọn một khái niệm duy nhất. Khái niệm này cho phép trình bày sự phát triển của Khả dĩ đong đếm. Khi nhận định về thu nhập quốc dân của Mỹ vào năm 1934, Simon Kuznets đã chỉ ra các thao tác phân loại và tuyển lựa mà ông thực hiện để lập ra thu nhập ấy. Ông dự đoán thu nhập quốc dân của nước này hẳn không được coi như một chỉ số hạnh phúc. Tuy nhiên, thu nhập quốc dân và tổng sản phẩm quốc nội chẳng mấy sẽ nhanh chóng được coi như biểu tượng và cái tương đương với hạnh phúc và tiến bộ. Tiếp tục so sánh thành tích của các quốc gia dựa trên tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người, nay đã trở thành chỉ số bùa hộ mệnh của chúng ta. Trong những năm 1970, các khái niệm này rồi sẽ bị chỉ trích và có nhiều ý đồ hiệu chỉnh được tiến hành nhằm biến tổng sản phẩm quốc nội thành chỉ số hạnh phúc. Tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người coi việc sản xuất của cải và dịch vụ là tiêu chí nòng cốt của hạnh phúc. Nó quên đi rất nhiều chiều kích khác của hạnh phúc và đặc biệt bất lực trong việc cảnh báo chúng ta về sự suy tàn của các di sản cốt yếu: di sản thiên nhiên - hệ thống trái đất - và gắn kết xã hội. Đã đến lúc chúng ta phải khẩn trương thay đổi các chỉ số.”

Giáo sư Dominique đã kết luận rằng: “Cần định nghĩa lại tiến bộ và sự giàu có, đặt mục tiêu không phải trọng điểm GDP, mà là những tiến bộ trong xây dựng sức khỏe xã hội, giảm dấu ấn cacbon”.

20230910-094311-1694314738.jpg
PGS.TS Trần Đăng Sinh, Chủ tịch Chi hội Triết học, khoa Triết  học và PGS.TS Lê Văn Đoán trao học bổng Trần Đức Thảo cho các sinh viên có thành tích xuất sắc khoa Triết học.

Trong buổi tọa đàm, Giáo sư Trần Văn Phòng cho rằng: “Giàu có không có nghĩa là hạnh phúc. Sự đáp ứng nhu cầu vật chất mới chỉ là hạnh phúc bậc thấp, đáp ứng nhu cầu tinh thần mới là hạnh phúc bậc cao”. Hạnh phúc có giới hạn, ai biết giới hạn thì người đó sẽ hạnh phúc. TS Nguyễn Duy Nhiên cũng đã trích dẫn một câu của Henry David Thoreau là: Hạnh phúc giống như một con bướm, bạn càng đuổi theo nó, nó càng lẩn khỏi bạn. Nhưng nếu bạn chuyên tâm vào những thứ khác, nó sẽ đến và đậu nhẹ nhàng trên vai bạn. Theo tiến sỹ, hạnh phúc là một khái niệm khá khó để trình bày, mỗi chúng ta đều có quan điểm riêng về hạnh phúc, nó chỉ trạng thái cảm xúc khi được thỏa mãn điều nào đó.

Bên cạnh đó, buổi tọa đàm cũng nhận được ý kiến của một số PGS, TS đã nêu bật quan điểm: Mỗi thời đại có một ưu tiên riêng về hạnh phúc. Thời chống Mỹ, hạnh phúc là chống giặc cứu nước, còn thời nay hạnh phúc là được mở cửa hội nhập với thế giới.

Các diễn giả đã có những tham luận và viện dẫn một số câu chuyện nói về Hạnh phúc và giàu có trên nhiều khía cạnh, góc độ. Buổi tọa đàm cũng nhận được rất nhiều ý kiến, chia sẻ của các nhà khoa học và các em sinh viên. Tất cả đều đưa ra một kết luận rẳng: Hạnh phúc và yêu thương do mỗi con người tự cảm nhận bằng chính trái tim và khối óc của mình.

Bảo Thơ