Trong trường hợp lũ trên sông Hồng lên báo động 3, Hà Nội vẫn an toàn

Tran Huy
Trước những diễn biến phức tạp về mưa lũ và ngập úng tại các tỉnh miền bắc trong những ngày gần đây, trưa 11/9, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đã có cuộc thông tin nhanh với báo chí về dự báo diễn tiến mưa lũ và ngập úng trong những ngày tiếp theo.
Nhiều xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ ngập do nước sông Bùi dâng cao.
Nhiều xã trên địa bàn huyện Chương Mỹ ngập do nước sông Bùi dâng cao.

Thông tin về tình hình mưa lũ, ngập lụt trong thời gian tới tại các tỉnh miền bắc, ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ dự báo đến đêm 11/9, lũ trên các sông Hồng, sông Thái Bình,... có thể đạt đỉnh và sau đó biến đổi chậm.

Những ngày tiếp theo nước lũ tại các sông Hồng, sông Thái Bình sẽ giảm dần. Tại Hà Nội, các quận như Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên... đã xảy ra ngập úng ở khu vực ven đê, khả năng trong 6 giờ tới mực nước sông Hồng tiếp tục tăng nên nguy cơ ngập úng vẫn còn hiện hữu.

Các vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy đã xảy ra tình trạng ngập úng.

Theo dự báo trong 6 giờ tới mực nước ở hệ thống sông chính tiếp tục tăng lên và đạt mức 11,3m dưới báo động 3 khoảng 20cm, sau đó có thể chững lại.

"Hiện tại, nước lũ giảm phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến mưa cũng như các diễn biến về việc xả lũ của các hồ trữ nước", ông Hòa nói và nhận định tại huyện Chương Mỹ thời gian tới xảy ra ngập úng kéo dài do lượng nước ở các sông chính ở mức cao, khó thoát.

Ngoài ra, các huyện ngoại thành như Thanh Trì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Gia Lâm sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng do mực nước ở các sông nhỏ tiếp tục tăng lên.

Trong trường hợp lũ trên sông Hồng lên báo động 3, Hà Nội vẫn an toàn ảnh 1

Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ đánh giá, trong lịch sử chưa bao giờ tại tỉnh Thái Nguyên xảy ra mưa lũ như những ngày qua.

Ông Hòa đánh giá, trong lịch sử chưa bao giờ tại tỉnh Thái Nguyên xảy ra mưa lũ như những ngày qua. Đối với tỉnh Bắc Giang, hầu hết các xã vùng ven sông Thao và sông Thương xảy ra hiện tượng ngập úng. Mực nước tại sông Thao và sông Cầu tiếp tục tăng những giờ tới. Diễn biến lũ tại Bắc Giang có nhiều đặc điểm giống lịch sử năm 2008 và năm 1986.

Ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ quản lý dự báo khí tượng thủy văn (Tổng cục khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhấn mạnh việc hiện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra thông tin về việc cảnh báo ngập úng trong nội thành Hà Nội trước khi có mưa lớn. Tuy nhiên, nhiều trang mạng xã hội đã sử dụng thông tin này và đưa ra tin cảnh báo "ngập lụt do lũ sông Hồng" khiến nhiều người hiểu sai bản chất.

Ông Long khẳng định, nước lũ hiện tại (lúc 11 giờ 30 là 11,02m, thấp hơn báo động 3 là 0,48m) trên sông Hồng chỉ khiến khu vực ngoài đê bị ngập, không ảnh hưởng đến nội thành.

Trong trường hợp lũ trên sông Hồng lên mức báo động 3, nội thành Hà Nội vẫn an toàn, không bị ngập.

Đến trưa 11/9, mực nước tại thượng nguồn sông Hồng, sông Thao đã đạt đỉnh và đang xuống. Song mực nước trên sông Thao xuống rất chậm.

Trong trường hợp lũ trên sông Hồng lên báo động 3, Hà Nội vẫn an toàn ảnh 2

Ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ quản lý dự báo khí tượng thủy văn (Tổng cục khí tượng thủy văn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường) chia sẻ thông tin với báo chí.

Theo ông Long hồ Hòa Bình, hồ Tuyên Quang tiếp tục đóng thêm cửa xả là những thông tin tích cực để giảm nước lũ ở hạ lưu, khả năng tiêu thoát lũ đang diễn ra chậm nên thời gian ngập lụt còn kéo dài khoảng 2-3 ngày tới.

Ông Long khuyến cáo người dân ở vùng ven sông phải thường xuyên theo dõi các dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia để nắm các diễn biến của mưa lũ, có biện pháp ứng phó kịp thời.

Ngoài ra, người dân vùng ven sông cần tuyệt đối chấp hành các khuyến cáo, cảnh báo, di dời của chính quyền địa phương.

Ông Long cũng cảnh báo, tại các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang,.. những ngày qua có mưa rất lớn.

Chính vì thế, đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã bị bão hòa nên nếu tiếp tục có mưa nguy cơ sạt lở là rất cao.

"Đất đã bão hòa nên có thể trượt xuống bất cứ lúc nào. Lũ quét và sạt lở đất là hiện tượng thiên tai cực kỳ khó dự báo. Do đó, người dân ở những vùng nguy hiểm cần đến nơi tránh trú an toàn", ông Hòa nói.

Để nắm được các dự báo về lũ quét người dân, chính quyền địa phương có thể theo dõi trực tuyến tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn.

Tại đây, các diễn biến về lũ quét, sạt lở đất được cập nhật liên tục, phân định các vùng có nguy cơ cao, vùng nguy cơ rất cao.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết theo cập nhật lượng mưa từ đêm 10/9 đến sáng 11/9, tại miền Bắc đã có xu thế giảm so với 2 ngày trước.

Dự báo trưa 11/9 đến ngày 12/9, mưa tập trung chủ yếu ở đồng bằng Bắc Trung Bộ. Đến 13/9, mưa sẽ giảm dần.

Trong trường hợp lũ trên sông Hồng lên báo động 3, Hà Nội vẫn an toàn ảnh 3

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá, mặc dù lưu lượng nước ở hồ Thác Bà là lớn, nhưng áp lực đã giảm so với trước đó nên trong vùng an toàn.

Theo ông Khiêm, lũ trên các hệ thống hồ tại miền Bắc hiện nay rất cao do lượng mưa lớn trong nhiều ngày, trong đó có hồ Thác Bà.

Trưa 11/9, lưu lượng nước về hồ Thác Bà đã giảm mạnh so với 2 ngày trước. Đến 10 giờ sáng 11/9, lưu lượng nước về hồ là 2.955m3/s (lúc 22 giờ 30 ngày 10/9 lưu lượng nước đến hồ là 3.750 m3/s). Mực nước tại hồ Thác Bà sáng 11/9 là 59,83m.

Ông Khiêm đánh giá, mặc dù lưu lượng nước ở hồ Thác Bà là lớn, nhưng áp lực đã giảm so với trước đó nên trong vùng an toàn.

Đối với lũ trên khu vực sông Hồng, ông Khiêm cho biết từ ngày 10/9 đến trưa 11/9, mực nước tăng.

Đến 11 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Hồng đã đạt mức 11,02m (thấp hơn báo động 3 0,48m).

"So với dữ liệu trong quá khứ, mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội trên 11m đã xảy ra vào năm 2004. Năm 2004, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đạt mức 11,04m", ông Khiêm nói và dự báo, trong những giờ tới mực nước thượng nguồn biến đổi chậm nên mực nước ở sông Hồng tăng nhưng tăng chậm.

Với mực nước hiện nay, các tỉnh hạ lưu sông Hồng như Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội có thể xảy ra lũ ở ven sông.

Theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện tại ở hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình, sông Thao… mực nước đều trên báo động 3.

THANH TRÀ