Điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng làm đường dây tải điện tại Quảng Nam

Tran Huy
Vụ chặt phá rừng tự nhiên trái phép để mở đường, đưa phương tiện vào thi công dự án đường dây 110 kV (giai đoạn 2) Thủy điện Tr’Hy tại hai huyện Tây Giang và Ðông Giang (Quảng Nam) đã làm hơn 2,2 ha rừng tự nhiên bị tàn phá nghiêm trọng...
Hàng trăm cây rừng bị đốn hạ trái phép khi thi công đường dây 110 kV (giai đoạn 2) Thủy điện Tr'Hy qua huyện Tây Giang và Ðông Giang.
Hàng trăm cây rừng bị đốn hạ trái phép khi thi công đường dây 110 kV (giai đoạn 2) Thủy điện Tr'Hy qua huyện Tây Giang và Ðông Giang.

Khi kiểm tra hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận, có 395 cây gỗ còn bỏ lại bên các móng trụ, dọc theo hành lang tuyến dây điện đi qua, với khối lượng gỗ thiệt hại 113,294 m3. Kiểm tra hiện trường tại huyện Tây Giang đã xác định, có 417 cây rừng bị chặt hạ, với tổng khối lượng 152,104 m3; với tổng diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại là 17.912,06 m2. Còn tại huyện Ðông Giang, Công an xã Mà Cooih khám nghiệm hiện trường, phát hiện 79 cây rừng bị chặt, tổng khối lượng 10,510 m3 gỗ.

Rừng tự nhiên bị chặt phá trái phép

Dự án Thủy điện Tr’Hy đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư do Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển Năng lượng (trụ sở tại xã Tr’Hy, huyện Tây Giang, Quảng Nam) làm chủ đầu tư (và được điều chỉnh tại Giấy chứng nhận số 22/CNUBND ngày 19/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

Dự án có công suất 30 MW tại xã Tr’Hy, điện lượng trung bình 117,4 triệu kWh/năm. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất thỏa thuận phương án tuyến tại Công văn số 4880/UBND-KTN ngày 29/12/2009 (bao gồm cả đường dây 110 kV giai đoạn 1 và giai đoạn 2). Trong đó, đường dây 110 kV đấu nối vào điện lưới quốc gia (giai đoạn 1) Thủy điện Tr’Hy đi qua địa bàn các xã: Tr’Hy, Lăng, huyện Tây Giang, với chiều dài 18,472 km. Ðến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành xây lắp, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đóng điện vận hành cấp điện áp 22 kV để cấp điện từ cuối tháng 10/2017.

Còn dự án 110 kV Thủy điện Tr’Hy đi qua các huyện Ðông Giang và huyện Tây Giang với chiều dài 30 km; có tổng diện tích chiếm dụng đất thuộc hạng mục móng trụ là: 9.800 m2 (gồm quy hoạch phòng hộ 2.980 m2, sản xuất 5.640 m2 và ngoài quy hoạch ba loại rừng 1.180 m2). Trong đó, diện tích rừng phải xin quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, hạng mục móng trụ gồm: Rừng tự nhiên 2.160 m2 (huyện Tây Giang 1.960 m2 và huyện Ðông Giang 200 m2) thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và rừng trồng 790 m2, thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển Năng lượng chỉ đề nghị xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đối với hạng mục móng trụ của dự án, hạng mục đường công vụ và hành lang tuyến không chuyển mục đích sử dụng đất nên chủ đầu tư không đề nghị xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam Trần Út cho biết, đến nay, chủ đầu tư chưa hoàn chỉnh thủ tục và trình lại hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có cơ sở thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình cấp thẩm quyền xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với diện tích rừng tự nhiên 2.160 m2 (thẩm quyền thuộc Thủ tướng Chính phủ) và diện tích rừng trồng 790 m2 (thẩm quyền thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh) bị ảnh hưởng bởi dự án.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện công trình dự án 110 kV Thủy điện Tr’Hy tuy chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của cấp thẩm quyền, nhưng chủ đầu tư đã tự ý hợp đồng thi công san ủi các móng trụ, mở đường và chặt hạ cây rừng dưới hành lang tuyến làm thiệt hại diện tích hơn 2,249 ha rừng tự nhiên.

Điều tra, xử lý nghiêm vụ phá rừng làm đường dây tải điện tại Quảng Nam ảnh 1

Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường vụ phá rừng để thi công dự án đường dây 110 kV (giai đoạn 2) Thủy điện Tr'Hy.

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm

Ngày 18/7/2019, Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển Năng lượng đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần Xây dựng điện VNECO3 để thi công các hạng mục công trình dự án 110 kV. Lãnh đạo công ty này thừa nhận, trong quá trình thi công, công ty đã phân công công nhân chặt hạ cây rừng tự nhiên trên hành lang tuyến từ móng trụ C62-C63 và tại móng trụ C62. Các hành lang tuyến còn lại, công ty không thừa nhận việc chặt hạ cây rừng tự nhiên.

Qua làm việc với Công ty cổ phần xây dựng điện VNECO3, cơ quan chức năng huyện Tây Giang ghi nhận công ty này có ký hợp đồng với Công ty TNHH Hải Thành Minh và Công ty TNHH Xây dựng và Xây lắp HTK để san ủi các tuyến đường công vụ, san ủi vị trí các móng trụ thuộc hạng mục của dự án 110 kV Thủy điện Tr’Hy trên địa phận huyện Tây Giang.

Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, Công ty TNHH Hải Thành Minh xác nhận, đơn vị đã thi công đào, đặt sắt, đổ bê-tông, lắp trụ tại các vị trí móng trụ C51, C52, C68, C86 và san ủi các tuyến đường công vụ C86, C51, một đoạn C52 nhưng không thừa nhận chặt hạ cây rừng tự nhiên tại các khu vực nhận thi công. Còn lãnh đạo Công ty TNHH Xây dựng và Xây lắp HTK cho biết, có nhận việc mở đường công vụ để cho xe chở vật liệu lên các vị trí móng trụ, không thừa nhận chặt hạ cây rừng tự nhiên tại các vị trí móng trụ và các tuyến đường công vụ...

Ngày 29/2, Hạt Kiểm lâm huyện Tây Giang ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội hủy hoại rừng xảy ra tại khu vực thực hiện dự án 110 kV tại xã Lăng, xã ATiêng, xã Dang thuộc huyện Tây Giang; đồng thời bàn giao hồ sơ vụ việc có liên quan cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tây Giang để điều tra, xác minh xử lý. Còn tại huyện Ðông Giang, công an đã làm việc và lấy lời khai 16 đối tượng có liên quan vụ phá rừng trái phép.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân tỉnh Quảng Nam Nguyễn Như Công cho biết, liên quan việc phá rừng trái pháp luật khu vực thực hiện dự án 110 kV thuộc địa phận hai huyện Tây Giang và Ðông Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng của tỉnh cùng Ủy ban nhân dân các huyện Tây Giang, Ðông Giang khẩn trương chỉ đạo điều tra, xác minh, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm đối với vụ phá rừng nêu trên theo đúng quy định của pháp luật; kiểm tra, xử lý trách nhiệm của chủ rừng, các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vụ phá rừng trái phép trong thời gian dài nhưng không kịp thời phát hiện, xử lý.

BÀI VÀ ẢNH: TẤN NGUYÊN