Giúp học sinh chọn đúng ngành nghề

Tran Huy
Việc chọn ngành nghề quyết định phần lớn tương lai của học sinh. Thế nhưng, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, số học sinh đã chọn sai, chọn chưa phù hợp là rất nhiều, một phần do thiếu thông tin đầy đủ, đúng đắn về các ngành nghề.
Giảng viên, sinh viên của các trường nhiệt tình tư vấn cho học sinh và phụ huynh.
Giảng viên, sinh viên của các trường nhiệt tình tư vấn cho học sinh và phụ huynh.

Ngày hội Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2024 (do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, báo Tuổi Trẻ và Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức ngày 17/3) đã tập trung tư vấn chọn ngành, chọn trường, cơ hội việc làm của từng ngành nghề sau khi ra trường.

Tại Ngày hội, em Trần Minh Đức, học sinh lớp 12, Trường trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Em không biết nên lựa chọn ngành nghề theo sở thích hay nhu cầu của xã hội. Nếu lựa chọn ngành theo sở thích, em sợ sau này cơ hội việc làm không rộng mở.

Nhưng nếu chạy theo nhu cầu của xã hội, em sợ không phù hợp bản thân, không phát huy được hết năng lực, tố chất của mình trong học tập và công việc. Còn em Trần Mai Hương, học sinh Trường trung học phổ thông Lục Nam (Bắc Giang) băn khoăn: Em đã nghe các trường tư vấn và tìm hiểu rất nhiều ngành nghề nhưng vẫn phân vân không biết chọn ngành nào phù hợp bản thân.

Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phenikaa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh cho biết: Với kinh nghiệm nhiều năm làm tư vấn tuyển sinh, tôi khuyên thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường. Khi chọn ngành, trước hết các em nên chọn ngành mình thấy yêu thích, dù sau này có gặp khó khăn, các em vẫn có đam mê để theo đuổi.

Nhưng nếu chọn ngành mình không thích, thì chỉ một chút thử thách cũng rất dễ nản lòng, không học được. Bên cạnh đó, học sinh cũng nên chọn ngành mà bản thân có năng khiếu, năng lực, đồng thời xem xét cơ hội phát triển của ngành đó ở thị trường lao động ra sao. Trên thị trường có rất nhiều ngành, nghề khác nhau, nhưng không phải cứ ngành “hot” thì cơ hội sẽ tốt hơn các ngành khác.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Khánh, các em hãy tự tin với lựa chọn của mình, bởi vì cuộc sống luôn thay đổi. Ngành, nghề các em thích bây giờ, chưa chắc ba năm sau em còn thích, chúng ta không thể khẳng định rằng ngành nghề đó bất biến. Quan trọng nhất là các em cần có phương pháp tư duy, phương pháp tự học và có mục đích sống rõ ràng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Học sinh cần chuẩn bị một tâm thế học hỏi không ngừng để thích nghi với tốc độ phát triển của xã hội. Chúng ta chọn ngành đào tạo, trường đào tạo để học được những kiến thức, kỹ năng để có thể làm nghề thật tốt trong tương lai. Ngành đào tạo ở bậc giáo dục đại học của chúng ta khá rộng. Khi các em học một ngành, vẫn có thể làm được rất nhiều nghề sau đó. Trong bất kỳ ngành nghề nào của nền kinh tế, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới, đều luôn thiếu những người giỏi, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao.

Vì vậy, khi có đam mê, tâm huyết dành cho việc học tập, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để trở thành những người tốt nhất trong lĩnh vực chuyên sâu của mình thì các em không bao giờ phải lo thiếu việc làm hay thu nhập không tốt. Quan trọng là chúng ta phải đầu tư, phát triển năng lực cá nhân để các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan trong lĩnh vực đó phải cần đến chúng ta, vì họ luôn cần nhân lực tốt, những người chăm chỉ, say mê với công việc, có thái độ nhiệt huyết, cống hiến cho công việc, cho tổ chức.

Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường đại học Ngoại thương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền cho lời khuyên: Việc chọn ngành, chọn nghề rất quan trọng đến tương lai sau này. Tuy nhiên, không phải khi các em chọn rồi thì sẽ bị bó buộc vào ngành đó. Các em hãy cho mình cơ hội, không nên chỉ học một ngành duy nhất mà nên học tiếp cận liên ngành.

Giúp học sinh chọn đúng ngành nghề ảnh 1

Học sinh tìm hiểu thông tin tại gian tư vấn của Trường đại học Hà Nội tại Ngày hội.

Các em học ngành kinh tế cũng có thể học thêm ngành luật dưới một hình thức nào đó, không nhất thiết phải thêm một bằng nữa. Khi đó, các em sẽ có lượng kiến thức đủ lớn để có cơ hội ứng phó rất tốt trong tương lai, năng lực cũng sẽ vượt trội trong tương lai. Nếu các em học giỏi trong một lĩnh vực nào đó và đẩy năng lực mình lên thì việc làm với mức lương cao sẽ không khó khăn.

Trước băn khoăn về việc thị trường nhân sự biến đổi không ngừng, nên chọn ngành có tính quy mô rộng hay bó hẹp, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Hiền cho rằng, trong trường hợp này, chúng ta phải là người tiêu dùng thông minh, đóng vai là người “mua” dịch vụ giáo dục đại học bằng cách nhìn vào chương trình đào tạo của từng ngành, phương pháp giảng dạy của mỗi trường để quyết định.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Mỗi năm, số lượng xét tuyển trúng tuyển vào đại học khoảng 600 nghìn thí sinh, nhưng số lượng nhập học chính thức chỉ đạt khoảng 80%, như vậy 20% số thí sinh trúng tuyển không nhập học. Điều này cho thấy đăng ký nguyện vọng và lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau, có sự khác biệt. Bên cạnh đó, sau năm thứ nhất thì khoảng 5 đến 7% số sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại.

Như vậy, số em đã chọn sai hay chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều. Ngày nay, thông tin đa dạng, phong phú nhưng thí sinh vẫn thiếu thông tin đầy đủ, đúng đắn về các ngành nghề học trong trường đại học và cao đẳng, nhất là cơ hội việc làm sau này. Thí sinh cần tiếp xúc với nguồn tin chính thống để có thể tự tin chọn ngành chọn nghề đối với trường sẽ học.

QUỲNH NGUYỄN