Hát xoan làng cổ

Nguyễn Ánh Hiền
Tềnh là tềnh tang tềnh, là tang tềnh/ Chỉ mà chỉ ớ xe, chỉ mà chỉ ớ xe/ Ố rằng là xe chỉ, ố rằng là xe chỉ/ Ta bớ ru hời, rằng ta ru hời quan nọ chỉ xe là chỉ ớ xe..., lời bài hát “Xe chỉ vá may” khiến nhiều du khách thích thú khi trải nghiệm Chương trình “Hát xoan làng cổ” thuộc khuôn khổ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa-du lịch đất Tổ năm 2024.

Diễn ra từ ngày 14 đến 18-4 (mồng 6 đến mồng 10 tháng Ba âm lịch), Chương trình “Hát xoan làng cổ” đưa du khách trải nghiệm nghe hát xoan tại các ngôi đình, miếu cổ nổi tiếng của Phú Thọ, như: Đình An Thái, đình Thét, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô.

Chủ thể của chương trình biểu diễn là các nghệ nhân của 4 phường xoan gốc, gồm: Phù Đức, Kim Đới, Thét và An Thái. Chia sẻ với chúng tôi, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch (phường xoan An Thái) cho biết, Chương trình "Hát xoan làng cổ" được tổ chức dịp Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng hằng năm nhằm gìn giữ, bảo tồn, phát huy cũng như giới thiệu, quảng bá di sản hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Những ngày qua, cả phường xoan An Thái cố gắng hết sức mang đến những làn điệu xoan hay và ý nghĩa nhất để phục vụ du khách gần xa.

Hát xoan làng cổ

Chương trình “Hát xoan làng cổ” năm 2024 hấp dẫn du khách.

Trong không gian cổ kính, linh thiêng của các ngôi đình, kết hợp với lối biểu diễn thuần thục, nhuần nhuyễn từ tiếng trống phách, lời hát, tay múa, chân đưa của các nghệ nhân và đào - kép xoan đã toát lên vẻ đẹp của sự uy nghiêm, thành kính mà hồn hậu, mộc mạc, sâu đậm. Ông Phạm Văn Bình, trú tại xã Trực Đại (Trực Ninh, Nam Định) cho biết: “Dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tôi mới có cơ hội được xem trực tiếp trình diễn hát xoan. Dù không hiểu nhiều về ca từ, giai điệu, nhưng khi các nghệ nhân hát xoan trình diễn khiến tôi bị lôi cuốn”.

Với những giá trị văn hóa tiêu biểu, năm 2011, hát xoan Phú Thọ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Chỉ 6 năm sau, hát xoan được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đây, toàn tỉnh Phú Thọ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy hát xoan thì đến nay đã có gần 100 nghệ nhân, cùng 1.560 người tham gia thực hành hát xoan thường xuyên.

Cùng với việc hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng hằng ngày tới nghệ nhân và học viên tham gia các lớp truyền dạy, đào tạo hát xoan, tỉnh Phú Thọ hỗ trợ kinh phí để các phường xoan gây quỹ hoạt động, tổ chức sinh hoạt, truyền dạy, mua sắm thiết bị... 100% trường học trong tỉnh đã đưa nội dung hát xoan vào chương trình giáo dục thông qua bộ môn âm nhạc và chương trình ngoại khóa; khoảng 50% cơ sở giáo dục thành lập câu lạc bộ hát xoan cấp trường. Trong đó, Chương trình “Hát xoan làng cổ” được triển khai từ năm 2013 gắn với các tour-tuyến du lịch đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Phú Thọ.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh đã triển khai đồng bộ, bài bản các chương trình, dự án bảo tồn hát xoan. Trong đó, Phú Thọ xác định rõ việc tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản hát xoan là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt.